30/03/2021 - 07:08

Nhật Bản trước áp lực “chọn phe” 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (ảnh) đang chịu sức ép phải phối hợp với đồng minh trừng phạt Trung Quốc vì “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 9-4 và Thủ tướng Suga cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm trực tiếp với Tổng thống Biden. Trước đó, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật sẽ tập trung thảo luận về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, các biện pháp chống đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, vấn đề Trung Quốc cũng được đưa vào chương trình nghị sự khi chính quyền Suga ngày càng quan ngại trước các hành vi “hung hăng, phi pháp” của Trung Quốc trong khu vực.

Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản bị kẹt trong thế khó khi vừa phải duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ vừa xây dựng quan hệ giao thương với Trung Quốc. Vì lẽ này, Tokyo lâu nay vẫn tìm cách cân bằng và tránh tình huống đụng độ trực diện với Bắc Kinh có thể làm tổn hại đến quan hệ kinh tế. Nhưng gần đây, nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền bắt đầu kêu gọi Thủ tướng Suga hành động quyết liệt hơn, đặc biệt sau đòn phối hợp trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada áp lên Trung Quốc liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. “Nhật là quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) không tham gia chiến dịch trừng phạt. Thật đáng xấu hổ khi chúng ta bị xem là vờ như chẳng biết chuyện gì đang xảy ra” - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani phát biểu.

Quan hệ Trung - Nhật trước nay căng thẳng do vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền. Nhưng trong các lĩnh vực như nhân quyền, Tokyo hiếm khi chỉ trích hoặc mạnh tay trừng phạt đối tác thương mại lớn nhất của mình. Trong nỗ lực cứu vãn quan hệ song phương, chính phủ cùng nhiều tổ chức dân sự Nhật Bản năm ngoái còn chủ động gởi hàng viện trợ cho Trung Quốc vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Hành động trên ban đầu nhận được ủng hộ từ Bắc Kinh, nhưng mâu thuẫn xuất hiện trở lại khi Tokyo đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G7 và thúc đẩy nhóm ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc làm xói mòn dân chủ tại Hong Kong. Đầu năm nay, việc cường quốc châu Á thông qua luật cho phép tàu tuần duyên của họ bắn tàu nước ngoài và tình cảnh các công ty Nhật hiện đối mặt nguy cơ bị thị trường đông dân nhất thế giới tẩy chay nếu tuyên bố không dùng bông Tân Cương khiến quan điểm chống Trung tại Nhật Bản tiếp tục dâng cao.

Trong diễn biến liên quan, Hãng tin Kyodo hôm 28-3 dẫn nguồn tin ngoại giao tiết lộ chính quyền Thủ tướng Suga và giới chức Mỹ - Hàn còn đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng với mục tiêu chính là bàn về việc phối hợp ứng phó Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Tuần rồi còn có tin xác nhận, Mỹ và Nhật Bản dự kiến ​​tổ chức cuộc tập trận chung lớn trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Trung Quốc) trong năm nay. Đây sẽ là cuộc tập trận quy mô toàn quốc đầu tiên của Nhật Bản trong 28 năm qua.

Nhật và Mỹ ký hiệp ước an ninh năm 1960 và hiện có khoảng 50.000 lính Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật với kim ngạch song phương hơn 300 tỉ USD năm 2020.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết