Trong một động thái thay đổi chính sách lịch sử, Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đồng thời dỡ bỏ một số hạn chế trong xuất khẩu vũ khí sát thương nhằm đóng vai trò lớn hơn trong an ninh quốc tế. Song, giới phân tích cho rằng điều này có thể gây tổn hại đến chi tiêu phúc lợi cũng như lập trường hòa bình lâu đời của Nhật Bản.

Patriot, tên lửa dẫn đường đất đối không của Mỹ dự kiến sẽ được Nhật Bản sản xuất trong thời gian tới. Ảnh: AP
Chính phủ Nhật Bản hồi cuối năm ngoái đã phê duyệt mức ngân sách dành cho quốc phòng năm 2024 là 7.950 tỉ yen (tương đương 56 tỉ USD). Đây là con số cao kỷ lục và tăng tới 16,5% so với năm 2023. Phần lớn số tiền này sẽ được Tokyo chi cho việc cải thiện khả năng tấn công tên lửa. Đáng chú ý, Nhật Bản cũng dỡ bỏ một số hạn chế nhất định đối với việc xuất khẩu vũ khí sát thương. Cụ thể, Nhật Bản đã chấp thuận yêu cầu từ Mỹ về việc sản xuất tên lửa dẫn đường đất đối không Patriot theo giấy phép của Washington và bán cho Mỹ.
Ryo Hinata-Yamaguchi, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, cho biết việc xuất khẩu tên lửa Patriot sang Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản và chuỗi cung ứng thiết bị quốc phòng Tokyo - Washington, vốn có tác động không chỉ đối với an ninh quốc phòng quốc tế mà còn đối với ngành quốc phòng của Nhật Bản. Với hệ thống tên lửa Patriot do Nhật Bản cung cấp, Mỹ được cho sẽ viện trợ cho Ukraine. Không chỉ với Mỹ, trong tương lai Nhật Bản cũng có thể bán vũ khí sát thương cho Úc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
❝ Trong một dấu hiệu khác về sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng, Nhật Bản gần đây đã ký hiệp ước cùng phát triển chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo với Anh và Ý. Sau lễ ký tại thủ đô Tokyo, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố: “Máy bay chiến đấu này có thể ra đời vào năm 2035 và sẽ khai thác các công nghệ thế hệ mới để trở thành một trong những máy bay chiến đấu tối tân nhất thế giới với khả năng tác chiến liên hợp, thích nghi và kết nối trên quy mô toàn cầu.” Tuyên bố nêu rõ, loại máy bay tàng hình siêu thanh này sẽ “được trang bị radar cực mạnh, có thể cung cấp dữ liệu nhiều gấp 10.000 lần các hệ thống hiện nay, tạo lợi thế trong chiến đấu.” |
Vì thế, động thái trên đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Nga. Theo ông Hinata-Yamaguchi, phía Nga đã cảnh báo Nhật Bản sẽ mất quyền kiểm soát các loại vũ khí mà Mỹ “có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”. Dù vậy, Satoru Nagao, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson (Mỹ) cho rằng việc Tokyo bán tên lửa Patriot sẽ chỉ tác động đến quan hệ Nhật - Nga ở mức tối thiểu, bởi Nhật Bản chỉ cung cấp Patriot cho Mỹ chứ không phải Ukraine. Theo ông Satoru Nagao, ngay cả trong trường hợp Mỹ cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine thì cũng đồng nghĩa không có bất kỳ “giao dịch trực tiếp” nào giữa Tokyo và Kiev. Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Nhật Bản chỉ hỗ trợ nước này các thiết bị không gây chết người như mũ, áo chống đạn và máy quét mìn.
Song, Nhật Bản đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực phúc lợi xã hội do dân số ngày càng già. Mặt khác, đảng Công minh (Komeito), đối tác liên minh của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đã do dự trong việc ủng hộ việc nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản, do lo ngại rằng chính sách này có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới và đi ngược lại hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.
Ryosuke Hanada, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa nghiên cứu an ninh và tội phạm học thuộc Đại học Macquarie (Úc), cho rằng lựa chọn tốt nhất và duy nhất để Nhật Bản đảm bảo ngân sách quốc phòng dài hạn là khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng và đánh thuế lợi nhuận ngành này. Theo ông Hanada, việc Nhật Bản bán tên lửa Patriot cho Mỹ là “điểm khởi đầu tốt”. “Trong ngắn hạn và trung hạn, chính phủ phải tăng cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cũng như cắt giảm chi tiêu cho phúc lợi xã hội vốn chiếm 33,6% tổng chi tiêu trong năm tài chính 2024. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm trong việc đưa ra những quyết định gây tranh cãi” - ông Hanada khuyến nghị.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)