04/12/2017 - 10:05

Nhật Bản khó chiêu mộ lao động giỏi nước ngoài 

Trước thực trạng khan hiếm lao động do dân số già hóa, Chính phủ Nhật Bản đang tìm nhiều cách để thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao. Tuy nhiên, người lao động dạng này dường như không mặn mà với việc gắn bó lâu dài với đất nước Mặt trời mọc dù đây là một nơi đáng sống. Vì sao? 

Nhiều lao động tay nghề cao cho biết Tokyo là nơi cuối cùng ở châu Á họ muốn đến sống.

Những năm gần đây, số người nước ngoài sinh sống ở Nhật đã tăng lên rất nhiều. Hầu hết họ đều là dân tạm cư, chẳng hạn những người đi hợp tác lao động mang visa “thực tập sinh” và sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian. Một số người sẽ hồi hương khi hết hợp đồng và những lao động mới lại đến, trong khi số khác sẽ ở lại, đặc biệt là những người kết hôn với dân địa phương. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe không muốn chỉ “nhập khẩu” nhân viên cửa hàng tiện lợi và người làm bếp để bù cho tình trạng thiếu lao động do dân số già, mà họ muốn chiêu mộ nhiều kỹ sư, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các chuyên gia.

Để thu hút tài năng toàn cầu, Chính phủ Nhật đã bắt chước hình mẫu của các nước như Canada và đưa ra một hệ thống nhập cư dựa trên điểm số. Bằng cấp cao, kỹ năng ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc và các văn bằng khác là những yếu tố có thể giúp người lao động nước ngoài được điểm cao và được phép thường trú lâu dài, thậm chí chỉ sau một năm – điều mà Tokyo lấy làm tự hào vì có hệ thống thường trú nhanh nhất thế giới. Nhưng vấn đề là công nhân lành nghề không thích đến đây.

Theo Trung tâm Năng lực Cạnh tranh Thế giới IMD, Nhật Bản là quốc gia châu Á ít hấp dẫn nhất đối với tài năng nước ngoài, dù đây là một nơi tuyệt vời để sinh sống với nhiều ưu điểm như sạch sẽ, an toàn và thân thiện, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và thức ăn ngon. Vậy tại sao nhân tài thế giới không muốn di chuyển đến Nhật?

Lý do đầu tiên là ngôn ngữ. Tim Eustace, người sáng lập công ty tuyển dụng Next Step ở Tokyo, cho biết mặc dù Nhật Bản có rất nhiều bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh trên đường phố và các ga tàu, nhưng những nơi kinh doanh và học hành thì chỉ dùng mỗi tiếng Nhật. Eustace tin rằng nhiều lao động nước ngoài tài giỏi trong các lĩnh vực như tài chính và công nghệ mong muốn có thể gửi con đến các trường dạy tiếng Anh và bản thân họ thì được nói tiếng Anh tại nơi làm việc. Nhưng điều đó có thể còn lâu mới xảy ra, phần là bởi trình độ tiếng Anh của người Nhật chưa giỏi, phần là vì các nhà lãnh đạo nước này không muốn tiếng mẹ đẻ bị hạ xuống  vai trò thứ yếu.

Lý do thứ hai là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các công ty Nhật Bản có tiếng là buộc nhân viên làm việc nhiều giờ. Mọi thứ đang cải thiện dưới thời Thủ tướng Abe, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm. Chẳng hạn, qui định cho phép nhân viên mang việc về nhà - điều đặc biệt quan trọng đối với các kỹ sư và chuyên gia, những người có thể đạt hiệu suất tốt nhất khi làm một mình - cần phải được củng cố. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp đánh giá cao sản lượng và kết quả thay vì nhìn nhận nỗ lực của nhân viên khiến họ cảm thấy áp lực.

Cuối cùng, chế độ tiền lương của Nhật Bản cũng không hấp dẫn đối với nhân tài ngoại quốc. Vì nhiều công ty vẫn tuyển nhân viên lúc họ mới rời trường đại học và giữ lại làm việc lâu dài, nên mức lương khởi điểm thường khá thấp. Những lao động này có thể chờ lương tăng dần lên theo thâm niên công tác, nhưng lao động nước ngoài lành nghề thì không quan tâm đến việc gắn bó tại một công ty trong 3 hoặc 4 thập kỷ. Lý do là họ đã quen với hệ thống thăng tiến nghề nghiệp quốc tế thông qua “nhảy việc”. Trong khi đó ở Nhật Bản, việc tuyển dụng người nhảy việc tương đối hiếm, và lương theo thâm niên làm việc do chuyển công ty cũng khó mà cao hơn.

THANH TRÚC (Theo Independent)

Chia sẻ bài viết