|
Tân Thủ tướng Nhật Taro Aso. Ảnh: Reuters |
Hôm qua 22-9, với 351 phiếu ủng hộ trong số 525 thành viên, cựu Ngoại trưởng Nhật Taro Aso, 68 tuổi, được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Theo Hiến pháp Nhật, do LDP chiếm đa số ghế tại Hạ viện nên ông Aso đương nhiên trở thành Thủ tướng khi Quốc hội nhóm họp vào ngày mai 24-9. Sau 2 người tiền nhiệm Shinzo Abe và Yasuo Fukuda do không chịu nổi sức ép từ phe đối lập và dân chúng nên phải từ chức trong vòng 1 năm qua, ông Aso là người thứ ba đảm nhận nhiệm vụ lèo lái nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua nguy cơ suy thoái và khôi phục niềm tin của dân chúng đối với đảng cầm quyền.
Lạm phát leo thang, bảo đảm việc làm ổn định cho lớp người nghèo mới và khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng, cộng thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng Aso. Mặt khác, ông sẽ phải dàn xếp vụ thất lạc hồ sơ lương hưu, hoạch định chương trình cải cách thuế và cải thiện dịch vụ xã hội cho số người cao tuổi ngày càng đông ở nước này. Ông Aso tuyên bố sẽ hoãn thực hiện mục tiêu cân đối ngân sách vào năm 2012, theo đó sẽ giảm thuế cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư chứng khoán, nhằm kích thích kinh tế phát triển ổn định trước tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ. Nhà lãnh đạo mới cũng chủ trương tăng chi tiêu chính phủ, bổ sung ngân sách cho tài khóa năm nay trước khi giải tán Hạ viện. Nếu đi theo đường hướng này, ông Aso sẽ đặt dấu chấm hết cho chương trình cải cách kinh tế của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Tương lai chính phủ của ông Aso phụ thuộc vào kết quả cuộc tổng tuyển cử dự kiến trong vài tháng tới. Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Aso có thể chờ đợi cho tới khi Quốc hội thông qua khoản ngân sách khẩn cấp hơn 101 tỉ USD để kích thích nền kinh tế trước khi kêu gọi bầu cử sớm vào cuối năm nay. Một quan chức chủ chốt của LDP cho rằng đảng này cần tận dụng giai đoạn bầu lãnh đạo mới để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri. Trong khi đó, theo tờ Asahi Shimbun, tân Thủ tướng Nhật có thể sẽ giải tán Quốc hội vào ngày 3-10 và kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 26-10. Từng 3 lần tranh cử thất bại chức chủ tịch LDP, nhưng ông Aso tin là mình có thể đưa LDP giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng LDP đang đối mặt với một trong những cuộc tổng tuyển cử khó khăn nhất nhiều thập niên năm qua. Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập dường như không thể giành đa số ghế, nhưng có thể tận dụng sự sụt giảm tín nhiệm của LDP để phá thế đa số ở Hạ viện của LDP. Hiện DPJ chiếm đa số ở Thượng viện và điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho LDP khi ngăn cản các chính sách cải cách kinh tế của chính phủ. Ngoài ra, DPJ cũng đã phủ quyết sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho tàu chiến Mỹ ở Ấn Độ Dương của Hải quân Nhật, tạo ra làn sóng phản đối cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan mà LDP chủ trưởng ủng hộ Mỹ. Theo khảo sát của báo Jiji tuần rồi, tỷ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng vừa từ chức Yasuo Fukuda giảm chỉ còn 15,6%. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng đây là cơ hội để DPJ lên nắm quyền. Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa, hôm 21-9, cho rằng tổng tuyển cử vào thời điểm này là cơ hội để DPJ chấm dứt 50 năm “làm mưa làm gió” của LDP.
Về đối ngoại, tân Thủ tướng Aso sẽ tiếp tục đi theo đường lối của ông Fukuda là củng cố liên minh an ninh chặt chẽ với Mỹ và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ không viếng đền Yasukuni, nơi thờ các binh sĩ Nhật chết trong Thế chiến thứ hai, trong đó có các tội phạm chiến tranh, một vấn đề vốn cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ lâu nay giữa Nhật với hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
N.MINH (Theo AFP, Reuters, AP)