21/07/2015 - 08:22

Nhật Bản chống tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ công bố Sách trắng Quốc phòng 2015 vào cuối tháng này, tiếp tục chỉ trích những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông giữa lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đặt nền móng xây dựng căn cứ quân sự trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trang mạng quốc phòng Mỹ Defense News cho biết, trong dự thảo Sách trắng Quốc phòng 2015, ngoài việc xác định hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là "vấn đề đáng lo ngại", Nhật Bản còn đề cập các dự án cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong 18 tháng qua, diện tích thi công trên 7 bãi đá hay rạn san hô mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Trường Sa khoảng 800 hecta. Đáng chú ý trong số này là công trình đường băng trên Đá Chữ Thập và dấu hiệu của căn cứ radar quân sự. Theo Defense News, việc Trung Quốc cải tạo, bồi đắp các rạn san hô thành "đảo nhân tạo" với nhiều mục đích bao gồm chức năng quân sự là nguyên nhân khiến căng thẳng ở Biển Đông ngày càng leo thang.

Các công trình mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập. Ảnh: theaustralian

Theo giới quan sát, Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản từ năm 2014 đã chỉ trích những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh "sẽ đơn phương làm thay đổi hiện trạng, leo thang tình hình căng thẳng ở khu vực, có thể gây ra những hậu quả không lường trước được". Các chuyên gia cũng dự đoán, quan điểm cứng rắn của Nhật Bản thể hiện qua Sách trắng Quốc phòng 2015 không tránh khỏi phản ứng gay gắt của Bắc Kinh bởi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng cáo buộc Tokyo đang "cố bôi nhọ Trung Quốc nhằm tạo căng thẳng trong khu vực". Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải Trang Kiến Trung ngang ngược cho rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc là dựa theo cái gọi là "quyền lịch sử" và mục đích khác nhau ở hiện tại. Ông Trang tố cáo Tokyo "có mục tiêu đầy tham vọng" khi triển khai tàu chiến và tăng tuần tra quanh Biển Đông. "Nhật Bản không phải một bên trong tranh chấp hoặc quốc gia lân cận ở Biển Đông. Những lo ngại không cần thiết chỉ chứng tỏ Tokyo muốn nhúng tay vào vùng biển này" – Trang Kiến Trung lập luận.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cách tiếp cận trực tiếp của Nhật Bản cho thấy sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, thái độ và phản ứng của nước này đối với vị thế của Nhật ở châu Á. Theo Giám đốc Chương trình An ninh châu Á thuộc Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, Nhật Bản dường như còn cho thấy nước này sẵn sàng ủng hộ các bên liên quan khác ở Biển Đông. Theo ông, vấn đề này rất quan trọng không chỉ bởi Tokyo có lợi ích trực tiếp trong việc ngăn chặn Trung Quốc độc bá Biển Đông mà cũng có thể tranh thủ sự ủng hộ của công luận đối với chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này đang tranh chấp với Trung Quốc trong trường hợp căng thẳng bùng phát.

Mặt khác, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại tại Đại học Temple (Nhật Bản) Robert Dujarrac cho biết về cơ bản thì động thái của Trung Quốc không ảnh hưởng đến Tokyo. Nhưng liên minh với Mỹ là một điểm cơ bản trong nền quốc phòng Nhật Bản. Trong khi đó, việc Trung Quốc thách thức hiện trạng lãnh thổ và đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông lại là vấn đề "nóng" giữa Washington và Bắc Kinh. Vì lẽ đó, Nhật Bản hiện với vai trò đồng minh đáng tin cậy của Mỹ không thể "bỏ ngoài tai" hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực.

MAI QUYÊN (Theo Defense News)

Chia sẻ bài viết