Mặc dù đang nỗ lực tăng cường năng lực quân sự quốc gia, song Nhật Bản hiện đối mặt với một vấn đề hết sức nan giải, đó là tuyển dụng tân binh.
Chính phủ Nhật đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây do lo ngại thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và tần suất các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên cũng ngày một nhiều hơn. Theo đó, Tokyo đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng hằng năm giai đoạn 2023-2027 lên 43.000 tỉ yen, tức tăng 15.500 tỉ yen so với giai đoạn 2019-2023. Tuy nhiên, một báo cáo hồi tháng 7 của một nhóm chuyên gia quân sự xứ Mặt trời mọc đã nêu bật nguy cơ “cực kỳ cao” là các lực lượng vũ trang sẽ bị suy yếu vì thiếu nhân sự. “Cho dù SDF có mua thiết bị tiên tiến đến đâu, chúng ta không thể được chứng minh khả năng phòng thủ nếu không có người vận hành nó” - báo cáo này nhấn mạnh.

Một buổi duyệt binh của binh sĩ Nhật Bản.
Theo trang tin Yomiuri Shimbun, tổng quân số trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) là khoảng 247.000 người và được chia thành 3 nhóm gồm: quân nhân bình thường, hạ sĩ quan và sĩ quan chỉ huy. Trong đó, việc tuyển dụng quân nhân bình thường đặc biệt khó khăn.
Kể từ năm 1990 đến nay, quân số của SDF đã giảm hơn 7% xuống còn dưới 230.000 người. Lần cuối cùng mà SDF đạt được mục tiêu tuyển quân là vào năm 2013. Như trong năm tài chính 2022 kết thúc vào tháng 3 năm nay, SDF chỉ có thể tuyển được 10.120 nhân sự cần thiết, chỉ đạt 62% so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tỷ lệ tân binh cam kết làm việc cho SDF với hợp đồng ngắn hạn từ 2-3 năm cũng chỉ đạt mức 43%.
Mặc dù nhiều nền kinh tế tiên tiến khác cũng đang chật vật trong việc tuyển dụng đủ số lượng tân binh đề ra, nhưng tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản. Theo thống kê tại nước này, cứ 10 người thì có 1 người trên 80 tuổi, trong khi tỷ lệ trẻ mới sinh lại liên tục giảm và xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, chỉ còn 770.000 ca sinh, tức chưa bằng phân nửa con số 2 triệu trẻ chào đời mỗi năm vào những năm 1970. Do tỷ lệ sinh có thể tiếp tục giảm, việc đảm bảo chỉ tiêu tuyển quân của SDF được dự đoán ngày càng khó khăn hơn.
Song, ngoài ảnh hưởng trực tiếp từ dân số già và tỷ lệ sinh giảm, khả năng tuyển quân của SDF còn chịu tác động bởi các vụ bê bối quyền lực và quấy rối tình dục đối với binh sĩ nữ. Như sau vụ cựu quân nhân Rina Gono công khai việc cô bị nhiều đồng nghiệp tấn công tình dục khi cùng tham gia một đợt huấn luyện năm 2021, số lượng nữ giới gia nhập quân đội giảm 12% (tính đến tháng 3-2023), dù con số này trước đó tăng lên mỗi năm kể từ năm 2017.
Ðể cải thiện khả năng tuyển quân, Chính phủ Nhật hồi năm 2018 đã tăng độ tuổi tối đa của tân binh từ 26 lên 32 tuổi. Quân đội nước này còn được cho là đang xem xét cho phép tuyển dụng cả những người có hình xăm. Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ quân nhân từ 9% hiện nay lên 13% vào năm 2030. Một giải pháp khác của nước này để khắc phục khó khăn do thiếu thốn nhân sự là sử dụng nhiều phương tiện không người lái hơn cả trên không, trên biển và trên đất liền.
Ngoài ra, do đối tượng tuyển dụng của SDF là thanh niên từ 18-32 tuổi, những người thuộc thế hệ Gen Z và quen với việc sử dụng internet, Bộ Quốc phòng Nhật đang tìm cách cải thiện điều kiện làm việc cho người trẻ. Chẳng hạn, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) đang xem xét sử dụng dịch vụ Internet vệ tinh Starlink do Công ty SpaceX (Mỹ) cung cấp, để các thành viên MSDF có thể duy trì liên lạc với gia đình qua điện thoại thông minh khi họ đang trong các chuyến công tác kéo dài nhiều tháng.
NGUYỆT CÁT (Theo AFP, Yomiuri Shimbun)