31/07/2012 - 21:31

Nhật Bản cảnh giác hoạt động hải quân của quân đội Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 31-7 đã chính thức công bố Sách trắng quốc phòng hàng năm dài 482 trang, trong đó lần đầu tiên nói về mối quan hệ đầy phức tạp giữa giới lãnh đạo quân sự và dân sự tại Trung Quốc.

Khi quân đội nước lớn thiếu minh bạch

 Tàu Hải tuần 01 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Sách trắng Quốc phòng của Nhật một lần nữa bày tỏ mối lo ngại việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng và cho biết ngân sách quân sự của nước này trong hơn 24 năm qua trên thực tế tăng gấp 30 lần. Sách trắng này cũng cho hay Hải quân Trung Quốc đang bành trướng các địa bàn hoạt động và duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài với sứ mạng do thám tại vùng biển Hoa Đông gần Nhật Bản cũng như trên Thái Bình Dương và Biển Đông.

“Trung Quốc đã giải quyết các vấn đề tranh chấp có liên quan đến Nhật Bản và các quốc gia láng giềng khác bằng cách thức hết sức ngang ngược bị dư luận chỉ trích, làm gia tăng sự quan ngại về xu hướng tương lai của Bắc Kinh”- Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản viết. Đặc biệt, Sách trắng cho rằng mối quan hệ giữa Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) và đảng Cộng sản Trung Quốc đang trở nên phức tạp trong bối cảnh mà PLA được hiện đại hóa, chuyên nghiệp hơn và mở rộng đảm trách vô số chức năng, nhiệm vụ.

Có điều, Sách trắng Quốc phòng của Nhật nói rằng thế giới bên ngoài vẫn không thể hiểu rõ về động lực và tiếng nói của quân đội Trung Quốc trong tiến trình đưa ra các quyết sách quốc gia. “Có người nhận thấy trong những năm qua, PLA có tiếng nói ngày càng tăng và lập trường rõ ràng trong các vấn đề an ninh. Nhưng những người khác lại nhận định số thành viên đại diện của lực lượng vũ trang trong các cơ quan soạn thảo chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc đã suy giảm”- Sách trắng viết.

Nhưng vấn đề là, theo Nhật báo Phố Wall của Mỹ, việc giảm số lượng các tướng lĩnh của PLA ở các vị trí trọng yếu của Chính phủ Trung Quốc có thể là một sự đối nghịch. Thế nên, Thư ký Hội đồng quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Yasuhisa Ishizuka, cho rằng xét về khía cạnh ứng phó nguy cơ khủng hoảng an ninh tiềm ẩn trong tương lai, người ta sẽ gặp nhiều khó khăn để hiểu ý định và mục đích trong nhiều động thái của quân đội Trung Quốc.

Vừa ngụy biện, vừa diều hâu

Philippines mời thầu 3 lô dầu khí trên Biển Đông

Theo hãng tin Anh Reuters, chính quyền Philippines ngày 31-7 mời chào đấu thầu 3 lô dầu khí trên Biển Đông, trong đó có 2 lô mà trước đó Trung Quốc đã có hành động tương tự. Tập đoàn Nido Petroleum của Úc, tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha, tập đoàn điện lực GDF Suez của Pháp và Eni của Ý nằm trong 15 công ty được chấp nhận đủ tư cách đấu thầu nhưng chưa rõ họ có tham gia hay không.

Báo mạng “Manilasatndardtoday” của Philippines ngày 31-7 dẫn lời ông Ni Lexiong, một chuyên gia về chính sách hải dương của Trung Quốc nói rằng việc Cục Hải dương Thượng Hải vừa đưa vào hoạt động tàu Hải tuần 01, tàu tuần tra lớn nhất và tiên tiến nhất, tại Biển Đông “là dấu hiệu khẳng định mạnh mẽ với thế giới rằng Trung Quốc đang nỗ lực giám sát nhiều hơn vùng biển của mình”. Ông nói rằng việc triển khai tàu tuần tra và cứu hộ khổng lồ này là nhằm “thực thi chủ quyền hợp pháp” của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng theo lời ngụy biện dối trá của ông Ni, việc đóng những chiếc tàu tuần tra thay vì tàu quân sự lớn “chứng tỏ rằng Trung Quốc muốn giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng bằng con đường hòa bình”. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đây là một trong 36 tàu tuần tra mà Trung Quốc có kế hoạch triển khai trên các vùng biển đang tranh chấp trong năm 2013.

Trong khi đó, Thiếu tướng Luo Yuan cho biết sau khi hạ thủy tàu Hải tuần 01, Trung Quốc sẽ đưa hệ thống nhận dạng và theo dõi bất kỳ máy bay nào bay trên lãnh thổ của nước này. Ông cũng thông báo Bắc Kinh sẽ thành lập 3 vùng lãnh hải và 3 vùng không phận để khẳng định sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. “Vùng phòng thủ là không phận giới tuyến của chúng ta mà bất kỳ chiếc máy bay thù địch nào cũng đều bị bắn hạ nếu nó vượt qua giới hạn”- ông Luo ngạo mạn đe dọa.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết