24/06/2008 - 08:00

Nhân quyền giả hiệu!

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tuần rồi thông qua quyết định bãi bỏ cấm vận ngoại giao chống Cuba và nó chính thức có hiệu lực vào hôm qua, 23-6. Các nhà lãnh đạo EU tin rằng “củ cà rốt” này sẽ khuyến khích Chủ tịch Raul Castro tiếp tục chương trình tự do hóa, dù còn rất thận trọng, kể từ khi trở thành người đứng đầu nhà nước Cuba hồi tháng 2-2008. Họ cũng hy vọng lệnh cấm vận được bãi bỏ sẽ giúp hai bên nối lại kênh tiếp xúc và đối thoại chính trị cấp cao nhằm qua đó có thể thuyết phục La Havana “cải thiện tình hình nhân quyền” và trả tự do cho những người mà phương Tây gọi là “tù nhân chính trị”.

Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm vận chống Cuba được áp đặt từ năm 2003 của EU trong thực tế không mang lại kết quả. Vì thế, EU quyết định hoãn áp dụng lệnh cấm vận thương mại và đầu tư từ năm 2005, chỉ duy trì chính sách cắt đứt kênh đối thoại ngoại giao. Tuy nhiên, chính sách ấy vẫn ảnh hưởng đến việc làm ăn của các doanh nghiệp châu Âu trên “Hòn đảo tự do”. Trong khi đó, nền kinh tế- xã hội Cuba những năm qua ngày càng khởi sắc nhờ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là nguồn cung ứng dầu mỏ trị giá hàng tỉ USD của Venezuela. Ngành khai thác kẽm cũng mang về nguồn thu lớn nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Có thể nói các nước bạn bè khu vực và quốc tế chính là những đối tác thương mại quan trọng nhất của Cuba, góp phần cổ vũ Cuba cải cách các chính sách kinh tế- xã hội và đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Cho nên, việc EU tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Cuba là điều dễ hiểu, bởi tiếp tục duy trì cũng không có tác dụng gì.

Tuy vậy, theo nguyên Chủ tịch Fidel Castro, việc EU vẫn còn thành kiến về vấn đề nhân quyền tại Cuba trong tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm vận là hành động “giả nhân giả nghĩa”. Lãnh tụ Fidel Castro cho biết EU yêu cầu Cuba trả tự do cho những kẻ tay sai của ngoại bang (mà họ gọi là “tù nhân chính trị”), trong khi chính họ lại đang chủ trương bỏ tù (thời hạn 6-18 tháng) và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp từ Mỹ La-tinh. Không chỉ ông mà hầu hết các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh khác đều lên án luật nhập cư mới của EU là “đáng hổ thẹn và vi phạm quyền con người”. Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, tuyên bố có thể sẽ ngưng đối thoại thương mại với EU do khối này hình sự hóa vấn đề nhập cư.

Trong khi yêu cầu các nước khác cải thiện nhân quyền thì EU lại không xem xét yếu tố này trong luật nhập cư mới của mình. Rõ là nhân quyền giả hiệu!

PHÚC NGUYÊN

(Theo Le Figaro, BBC, AFP)

Chia sẻ bài viết