Từ đầu năm 2017 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ tăng trưởng tích cực. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trưởng, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thành phố cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, đầu tư nhà xưởng, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Thị trường khởi sắc
|
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Quang Phát. |
Trong quý I-2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố là 392,1 triệu USD, đạt 23,5% kế hoạch, tăng 9,9% so cùng kỳ 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 301,1 triệu USD, tăng 9,6% so cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ 91 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp chế biến tăng 8% so cùng kỳ năm 2016. Các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp cũng nỗ lực sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ cho biết: "Các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện có 225 dự án còn hiệu lực. Trong đó, 212 dự án đang hoạt động, 7 dự án đang xây dựng, 6 dự án chưa triển khai. Quý I-2017, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 394,051 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 318,868 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016; xuất khẩu đạt 157,862 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016".
Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh còn gặp không ít khó khăn, song một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ vẫn đạt mức tăng trưởng khá như: thủy hải sản, phi lê đông lạnh, tôm đông lạnh, quần áo, dược phẩm. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Phát, quận Thốt Nốt, cho biết: "Trong 3 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu trên 30.000 tấn gạo sang thị trường Mỹ, Canada, Ấn Độ, Dubai, Nigeria, Trung Quốc, Hồng Công
Một số thị trường như Dubai, Nigeria đã ký kết hợp đồng giao hàng đến cuối quý II-2017. Thị trường mới mở là Hồng Công cũng đang phát triển khá tốt". Theo bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, từ năm 2016, Công ty Quang Phát đã tổ chức liên kết tiêu thụ lúa với diện tích 3.000ha tại TP Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Sản lượng xuất khẩu đạt 150.000 tấn/năm, nhiều khách hàng tìm đến tận nhà máy để tìm hiểu quy trình chế biến và đặt hàng. Nhìn chung, thị trường gạo xuất khẩu ngày càng khó, doanh nghiệp làm hàng chuẩn, quy trình sản xuất, chế biến khép kín, đảm bảo chất lượng, sẽ yên tâm hơn về đầu ra.
Nắm bắt cơ hội
Từ năm 2016, TP Cần Thơ tập trung thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ "Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020" trên địa bàn thành phố. Theo đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu của thành phố được hỗ trợ "giảm thời gian thông quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ việc kê khai hải quan điện tử qua hệ thống VNACCS/VCIS". Ngành hải quan thành phố thực hiện phương thức quản lý rủi ro trên cơ sở phân loại doanh nghiệp, phân loại người khai hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tiến tới một cửa liên thông quốc gia, sẵn sàng gia nhập ASEAN. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN)Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, ước đến cuối tháng 3-2017, dư nợ cho vay xuất khẩu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 11.300 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 15.800 tỉ đồng, cho vay công nghiệp hỗ trợ 290 tỉ đồng. Lãnh đạo TP Cần Thơ cùng NHNN Chi nhánh thành phố cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, hoạt động xuất khẩu ở nhóm ngành hàng chủ lực của TP Cần Thơ còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Phát chia sẻ: "Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mạnh gạo Việt Nam nhưng giá rất thấp. Các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc gạo cao cấp như Quang Phát nếu xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không có lợi do bấp bênh về giá. Cái khó của doanh nghiệp gạo Việt Nam khi xuất hàng sang Trung Quốc là khi giá lên, việc giao hàng thuận lợi; nhưng khi giá xuống, đối tác rất dễ bẻ kèo, nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà với thị trường này".
Trong những tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và châu Âu có sự giảm sút so với năm 2017. Ông Phạm Hữu Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Hiệp Thanh cho biết: "Trước đây, công ty thường xuyên xuất khẩu cá tra sang Mỹ và châu Âu nhưng hiện nay chỉ tập trung vào thị trường châu Á là chính. Công ty có vùng nuôi cá tra ổn định nên có thể quản lý chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào và đáp ứng yêu cầu quản lý chất kháng sinh của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, mức giá xuất khẩu vào các thị trường này không cạnh tranh so với thị trường châu Á, nên công ty giảm đơn hàng từ châu Âu để tập trung vào thị trường châu Á. Công ty vừa đầu tư 1 phân xưởng chuyên làm hàng giá trị gia tăng là cá tẩm bột, giúp công ty đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường".
Theo các sở, ngành hữu quan của thành phố, sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn có sự cải thiện trong những tháng đầu năm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu thị trường. Do đó, doanh nghiệp phải quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ khách hàng. Khi am hiểu thị trường và khách hàng, doanh nghiệp sẽ tận dụng được các cơ hội mới, khai thác những thị trường tiềm năng để gia tăng khả năng cạnh tranh và hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN