Chứng đau đầu ở thai phụ thường là do thay đổi về nội tiết tố. Dù vậy, chị em không nên chủ quan bỏ qua tình trạng này bởi nó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu thường gặp và biện pháp đẩy lùi hiệu quả chứng bệnh gây khó chịu, mệt mỏi này:
Thiếu ngủ hoặc mất ngủ. Mất ngủ là một trong những vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt khi thai nhi phát triển lớn hơn ở những tháng cuối thai kỳ. Tuy mất ngủ không gây nguy hiểm tức thời cho mẹ và sự phát triển của bé nhưng tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến đau đầu, khiến thai phụ trở nên cáu gắt và khó chịu. Lời khuyên của bác sĩ là các mẹ bầu nên tranh thủ ngủ sớm và chọn tư thế thoải mái để có giấc ngủ sâu. Việc ngủ đủ giấc giúp tái nạp năng lượng cho cơ thể, từ đó khắc phục hiện tượng đau đầu.
Ảnh: MomJunction
Mất nước. Dấu hiệu cơ thể thiếu nước dễ thấy nhất là chóng mặt và nhức đầu. Lúc này, các chị em cần uống 1 hoặc 2 ly nước và hít thở sâu. Kịp thời bù nước là cách nhanh chóng đẩy lùi tình trạng nhức đầu.
Đói bụng. Để bụng đói kéo dài có thể làm giảm lượng đường trong máu dẫn đến đau đầu. Trong thời kỳ mang thai, chị em lưu ý không nên nhịn ăn quá lâu dễ gây thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến em bé. Để tránh tình trạng này, bà bầu nên lập thời gian biểu và chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cả mẹ lẫn con.
Căng thẳng và trầm cảm. Do thay đổi nội tiết tố, phụ nữ mang thai dễ bị căng thẳng mà biểu hiện thường thấy là các cơn đau đầu. Nếu không giải tỏa kịp thời, nhiều trường hợp có thể dẫn đến trầm cảm. Tập yoga và thiền định là giải pháp đơn giản mà hữu hiệu giúp các chị em điều trị nhức đầu, giảm căng thẳng và ngăn ngừa trầm cảm khi mang thai.
“Nghiện” caffeine. Đối với người có thói quen dùng đồ uống chứa nhiều caffeine (như cà phê, trà, nước ngọt…), việc dừng tiêu thụ đột ngột chất này có thể dẫn đến các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi và dễ cáu gắt. Nhưng nếu tiếp tục dùng caffeine thì không tốt cho thai nhi. Do đó, để vượt qua cơn thèm, chị em được khuyên nên tập hít thở sâu và vận động vừa phải.
Huyết áp cao. Nguyên nhân chủ yếu là do lo lắng và thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ. Cao huyết áp cũng có thể dẫn đến tiền sản giật ảnh hưởng sức khỏe thai nhi. Vì vậy, thai phụ nếu cảm thấy nhức đầu, buồn nôn, mắt mờ thì tốt hơn hết nên gặp bác sĩ để có giải pháp can thiệp kịp thời.
Đau nửa đầu. Đối với phụ nữ có tiền sử đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng, các chuyên gia cho biết bệnh có thể thuyên giảm hoặc nặng hơn do thay đổi tâm lý và thể chất thời kỳ mang thai. Nếu vậy, thai phụ cần hỏi ý kiến bác sĩ về liệu trình điều trị thích hợp và tránh trường hợp tự uống thuốc.
Đường Thất (Theo Health Site)