28/07/2019 - 17:37

Nhấn chìm máy bay để làm du lịch 

Nhằm thu hút du khách và thợ lặn đến khu nghỉ mát Aqaba trên Biển Đỏ, Jordan mới đây đã nhấn chìm nhiều loại vũ khí không còn sử dụng để tạo ra một bảo tàng quân sự dưới nước.

Theo đó, 19 thiết bị quân sự gồm xe tăng, xe cứu thương, cần cẩu quân sự, xe chở binh sĩ, hệ thống phòng không và một trực thăng chiến đấu đã được đưa xuống lòng biển. Chính quyền Đặc khu kinh tế Aqaba trong một tuyên bố cho biết, mỗi thiết bị quân sự được đặt "dọc các rạn san hô theo một sơ đồ chiến thuật" và đã được loại bỏ các vật nguy hiểm. Cơ quan này hy vọng 19 thiết bị quân sự nói trên sẽ cho phép tạo ra các rạn san hô nhân tạo và thúc đẩy phục hồi vẻ đẹp tự nhiên của khu vực. Được biết, 8 trong số 19 thiết bị được đặt ở độ sâu 15-20 mét, trong khi 11 thiết bị còn lại nằm cách mặt nước 20-28 mét.

Chiếc Boeing 747 được Bahrain nhấn chìm dưới nước trong nỗ lực thu hút du khách. Ảnh: CNN

Theo quảng cáo, bảo tàng quân sự dưới nước sẽ mang đến "một trải nghiệm mới và độc đáo". Jordan hy vọng đây sẽ là thiên đường lặn mới và cho phép du khách tham quan bảo tàng bằng cách lặn với ống thở hoặc thông qua những chiếc thuyền thúng đáy kính. 

Thật ra, Jordan không phải là quốc gia duy nhất thu hút du khách bằng cách đánh đắm khí tài quân sự. Bahrain hồi tháng 6 vừa qua đã nhấn chìm máy bay Boeing 747 như là một phần trong dự án công viên giải trí dưới nước rộng 100.000 mét vuông (lớn nhất thế giới), dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 8 tới.

Với việc "hạ thủy" Boeing 747, Bahrain hy vọng sẽ thu hút các thợ lặn từ khắp mọi nơi. Địa điểm lặn sẽ có ngôi nhà kinh doanh ngọc trai, các rạn san hô nhân tạo và nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang theo đuổi xu hướng làm du lịch dưới nước khi mới đây đã nhấn chìm chiếc Airbus A330 ngoài khơi Bán đảo Gallipoli. Cách đây vài năm, một chiếc Airbus khác cũng được Thổ Nhĩ Kỳ nhấn chìm xuống khu vực ngoài khơi bờ biển Aegean để gây dựng một rạn san hô nhân tạo.

Vấp phải tranh cãi

Giới chức Bahrain nói rằng công viên giải trí dưới nước sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng sinh vật biển, hồi sinh hệ sinh thái. Tuy nhiên, chuyên gia hàng hải Adriana Humanes, tiến sĩ nghiên cứu về sinh thái biển ở Đại học James Cook (Úc), cho rằng các rạn san hô nhân tạo không phải lúc nào cũng tốt cho hệ sinh thái. "Xác tàu chìm dưới đáy biển là một trong những cách thức lâu đời nhất nhằm cung cấp môi trường cho sinh vật biển tạo nên các rạn san hô nhân tạo. Nó có thể cung cấp cho du khách trải nghiệm lặn độc đáo, đa dạng và hấp dẫn nhưng cũng tồn tại những nhược điểm. Theo đó, các thành phần tạo nên tàu như đồng, hợp kim đồng, nhôm, chì và thép cũng như hydrocarbon và các chất ô nhiễm tiềm năng khác có thể bị ăn mòn, truyền kim loại nặng vào nước biển và ảnh hưởng đến các sinh vật biển xung quanh" - chuyên gia Humanes cảnh báo.

Lo ngại của ông Humanes là có cơ sở khi mà việc sử dụng xác tàu chìm, máy bay, xe tăng, tàu điện ngầm... để tạo thành các rạn san hô nhân tạo từ lâu đã không được chấp nhận. Tổ chức Clean Ocean Action mới đây phát hiện, những chiếc tàu điện ngầm lỗi thời của thành phố New York được dùng làm các rạn san hô nhân tạo dọc theo vùng ven biển phía Đông nước Mỹ có chứa amiăng - một độc tố gây ung thư phổi, thận.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết