29/04/2021 - 09:07

Nhà Trắng chia rẽ về quyết định “xuất khẩu” vaccine 

Quyết định gửi hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược AstraZeneca ra nước ngoài đang gây chia rẽ các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hoạt động sản xuất vaccine của AstraZeneca tại Mỹ. Ảnh: Washington Post

Nhà Trắng đưa ra thông báo trên hôm 26-4, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi. Ấn Ðộ đang bị rung chuyển bởi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, khi số ca mắc mới tại quốc gia Nam Á này liên tục phá vỡ các kỷ lục thế giới trong những ngày gần đây. Ấn Ðộ hiện có gần 18 triệu ca nhiễm với trên 201.000 người tử vong.

Thế nên Chính phủ Mỹ có kế hoạch chuyển ra hải ngoại khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca (do Anh/Thụy Ðiển sản xuất) để hỗ trợ.

Quyết định bất ngờ của Mỹ được đưa ra sau hơn 1 tháng tranh luận gay gắt trong nội bộ. Giới chức cấp cao tại Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia đã liên tục bác bỏ yêu cầu từ lãnh đạo các cơ quan y tế, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế về việc “xuất khẩu” vaccine. Phe ủng hộ viện dẫn những dự báo hàng tuần cho thấy Mỹ sẽ có dư hàng chục triệu liều vaccine. Bên phản đối thì thúc giục Tổng thống Biden chờ cho đến khi xứ cờ hoa phê duyệt thêm các loại vaccine và tiến xa hơn trong chiến dịch chủng ngừa toàn dân. Washington đang tiêm ngừa cho người dân bằng vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson (đều của Mỹ), còn chế phẩm của AstraZeneca chưa được cấp phép lưu hành trong nước.

Sự chia rẽ nói trên đặt ra những hoài nghi về niềm tin của chính quyền Mỹ đối với khả năng sản xuất vaccine nội địa mà hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào Pfizer và Moderna. Vụ việc cũng tô đậm mức độ bất đồng giữa các thành viên trong nhóm ứng phó đại dịch của ông Biden về việc làm thế nào để vừa bảo vệ người dân Mỹ trước những biến thể có khả năng lây nhiễm cao, vừa hỗ trợ được các quốc gia gặp khó.

Tác hại của “chủ nghĩa dân tộc vaccine”

Trong nhiều tháng, những nước phát triển đã tích trữ vaccine và nguyên liệu thô để tạo ra chúng. Hiện nay, họ buộc phải hành động bởi “cơn bão” lây nhiễm tại Ấn Ðộ làm dấy lên nguy cơ xuất hiện các đột biến mới của virus, đe dọa cả thế giới. Do bị chỉ trích ngày càng gay gắt vì chi phối nguồn vaccine, Mỹ hồi đầu tuần tuyên bố sẽ giúp Ấn Ðộ bằng cách cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine cũng như các thiết bị khác. Không chỉ chia sẻ các liều vaccine của AstraZeneca cho New Delhi, Washington còn bàn thảo với lãnh đạo các công ty dược về vấn đề miễn trừ bản quyền vaccine để thúc đẩy nguồn cung. Các nước châu Âu cũng cam kết hỗ trợ Ấn Ðộ.

Những động thái đó cho thấy nhận thức ngày càng lớn rằng chủ nghĩa dân tộc vaccine mà nhiều nước giàu theo đuổi có thể sẽ phản tác dụng, làm kéo dài đại dịch trên toàn cầu. Chia sẻ vaccine có thể giúp sớm kết thúc đại dịch và giảm nguy cơ xuất hiện những biến thể khác của SARS-CoV-2. Một số nhà khoa học tin rằng biến thể B.1.617 có thể là nhân tố thúc đẩy làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Ấn Ðộ hiện nay. Sự bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát ở đất nước gần 1,4 tỉ dân này thậm chí có nguy cơ trở thành chiếc “đĩa cấy vi khuẩn” để những đột biến khác phát triển, thách thức các vaccine đang được phân phối trên thế giới. Ðể tiêm ngừa cho 70% dân số của mình và đạt miễn dịch cộng đồng, Ấn Ðộ sẽ phải cần tới gần 2 tỉ liều vaccine (mỗi người tiêm 2 liều).

Ðược biết, khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã đặt mua 800 triệu liều vaccine từ 6 nhà sản xuất cùng với thêm 1 tỉ liều dự phòng mặc dù dân số nước này chỉ hơn 331 triệu người. Rõ ràng, Mỹ sở hữu số lượng vaccine lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu. Ðiều tương tự cũng thấy tại Anh. Chính phủ xứ sương mù đã tìm cách để mỗi công dân có tới 5 liều vaccine. Tỷ lệ này ở Canada và Liên minh châu Âu lần lượt là 8,7 và 4,6 liều/người.

WHO cảnh báo sự lây lan của biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Ðộ

Trong báo cáo cập nhật tình hình dịch tễ hằng tuần hôm 27-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Ðộ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước.

WHO phân loại  biến thể mới tại Ấn Ðộ là “biến thể cần quan tâm” và chưa tuyên bố đây là “biến thể gây quan ngại”. Theo WHO, phân tích sơ bộ của tổ chức này dựa trên các chuỗi trình tự gene trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy biến thể mới tại Ấn Ðộ có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác phổ biến tại quốc gia Nam Á này, trong khi khả năng lây lan của các biến thể khác cũng gia tăng. Ðây được xem là nguyên nhân dẫn tới sự tăng đột biến các ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Ðộ thời gian qua. 

Ngày 28-4, Bộ Y tế Ấn Ðộ cho biết nước này ghi nhận 3.293 ca tử vong trong 24 giờ và đây là lần đầu tiên số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người. Số ca mắc mới trong ngày cũng đạt đỉnh mới là 360.000 ca.

HẠNH NGUYÊN (Theo Politico, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết