12/04/2020 - 08:14

Nhà nghiên cứu 100 tuổi kể chuyện sử Việt 

“Tạp ghi Việt Sử Địa” là công trình tập hợp và giới thiệu những bài tạp ghi của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được viết cách đây hơn 40 năm về nhiều lĩnh vực: địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... Sau hai tập ra mắt vào hồi năm 2016 và 2017, tập Ba “Tạp ghi Việt Sử Địa” vừa được NXB Trẻ ấn hành, mang đến cho người đọc nhiều thông tin bổ ích và lý thú về sử Việt.

Bộ 3 tập “Tạp ghi Việt Sử Địa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

►Thêm tư liệu khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!

Điều đặc biệt trong tập Ba “Tạp ghi Việt Sử Địa” là có nhiều tư liệu quý chưa từng được công bố rộng rãi. Đó là những bài viết, phân tích khoa học với những chứng cứ vững chắc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Điển hình là bài “Theo Giáo sĩ Thừa sai, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dẫn chứng ra hàng loạt bản đồ cổ mà các Giáo sĩ Thừa sai đã dùng khi đặt chân đến vùng đất Đông Nam Á ngày nay. Theo đó, “quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ghi vẽ thành một bãi đá ngầm vĩ đại nằm ở ngoài khơi biển Đông của Việt Nam” trên các bản đồ Bồ Đào Nha như: Diogo Ribeiro - 1529, Bartholomeu Velho - 1560, Lazaro Luis - 1563, Bartholomeu Lasso - 1590… “Bãi đá ngầm vĩ đại này nằm suốt từ nam ra bắc và được ghi tên là Parcel- Pracel- hay Paracels”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết. Ngoài ra, trong bài viết này, ông còn kể chi tiết rất hay là tàu thuyền ngoại quốc bị nạn bão táp được Việt Nam cứu hộ tận tình vào khoảng năm 1620.

Trong tập sách này, với các bài viết khác như “Thêm tư liệu quý hiếm về Hoàng Sa và Trường Sa”, “Biển Đông, Cù Lao Ré, Bãi Cát Vàng, Bãi Cát Dài”, “Bản đồ cổ phương Tây gây nhiều ngộ nhận khi phiên âm quốc hiệu nước ta”, “Góp ý về ba địa danh Cochin China, Paracel Islands, Spratly Islands”… càng củng cố thêm bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Qua những trang viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm trong Biển Đông là điều hiển nhiên. Việt Nam đã sử dụng quyền ấy vì lợi ích dân tộc và đất nước Việt Nam, nhưng cũng vì lợi ích của người nước ngoài qua lại Biển Đông khi cần cứu hộ…” (trang 196).

►Những tư liệu quý về đất và người Nam bộ

Viết “Tựa” cho tập sách này, nhà nghiên cứu 100 tuổi với bề dày nghiên cứu lừng lẫy lại khiêm tốn: “Không được đào tạo chính quy về sử địa, tôi chỉ là người tự học, vì bộ môn sử địa ám ảnh tôi từ nhỏ”, và rằng: “Đây là những tạp ghi sử địa thời hiện đại viết ra từ nhiều năm trước, lời văn thô mộc, tư duy chân thành, tư liệu có thể đúng hay thiếu sót…”. Vậy nhưng, tin rằng người đọc sẽ nâng niu từng dòng viết của ông bởi đằm sâu trong đó là những tư liệu rất quý.

Điển hình như trong bài đầu tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã bàn về địa danh Sài Gòn. Ông kể cặn kẽ quá trình Sài Gòn hãy còn là tục danh (địa danh dân gian) đến địa danh hành chính; các dạng tự khi viết về Sài Gòn trong tiếng Hán, Nôm, Pháp… Theo ông, tên gọi Sài Gòn có lẽ xuất hiện từ rất sớm, ngay buổi đầu vùng đất này được khai phá, song một trong những văn bản thành văn ghi tên Sài Gòn là “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776. Những giả thuyết về nguồn gốc địa danh Sài Gòn được nêu ra trong bài viết cũng khá thú vị: Chỉ nơi có nhiều củi gòn?, hay giải thích từ phương diện ngữ âm?... Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn kỳ công giới thiệu những bản đồ vẽ Sài Gòn từ thuở tục danh đến địa danh hành chính với tuổi đời gần 2 thế kỷ.

Bài “Petrus Trương Vĩnh Ký: Phong tục tập quán của người An Nam” được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dịch lại từ “Documents historiques. Moeurs et Coutumes. La Cochinchine francaise en 1878” của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, Paris, 1878. Xem bài này, độc giả sẽ hiểu hơn về tiếng nói, y phục, lương thực, gia cư của người An Nam thời đó. Cả chuyện nghi thức dân sự như sinh đẻ, hôn thú, mãn phần cũng được trình bày rất cặn kẽ. Đọc mới hay rằng, y phục lễ nghi của người đàn ông gồm chiếc áo dài đen và một cái quần đồng màu. Hay là mới rõ rằng, những ngôi nhà ở An Nam thường tập trung thành xóm quy tụ dưới những bụi cây rậm rạp ở rải rác giữa những cánh đồng thẳng cánh cò bay của hai châu thổ tạo thành xứ Nam kỳ. Theo bài này, thời đó người hết tuổi thiếu niên sẽ đi học nếu nhà khá giả, còn cầm bằng nghèo khó thì sẽ đi chăn trâu, giữ bò, sau đó lập gia thất khá sớm. Hôn sự thì có 5 nghi thức chính là: Lễ đi chơi (tức nghi thức đi dạo và lựa chọn ý trung nhân, song chưa có gì là cam kết, mới để xem mặt mà thôi); Lễ đi hỏi (nghi thức xin sự chấp thuận của cha mẹ cô dâu tương lai); Lễ bỏ trầu (tức nghi thức đôi trẻ cùng ăn trầu); Lễ chịu lời (tức nhận lời định ngày cưới) và Lễ cưới. Giữa hai lễ cuối, người con trai sẽ lại nhà người con gái để ở, coi chuyện sinh hoạt của vợ và nhà vợ tương lai, gọi là làm rể.

Trong quyển sách này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn lần lượt giới thiệu những danh nhân tiêu biểu đất Nam bộ thuở xa xưa. Đó là ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, một nhà văn, nhà báo, nhà thương mại và cũng đồng thời là trụ cột của phong trào Duy Tân - Đông Du ở Nam kỳ. Đó là cụ Nguyễn Trường Tộ, từng được biết đến là một danh sĩ, nhà thơ, nhà cải cách ở thế kỷ XIX nay được cụ Nguyễn Đình Đầu nhìn nhận ở một khía cạnh khác - một người Việt Nam Thiên Chúa giáo luôn khát khao “cứu nước thịnh dân”. Hay còn là nhân vật lịch sử Trần Bạch Đằng với công lao đại đoàn kết và hòa giải hòa hợp dân tộc...

Bài, ảnh: Duy Khôi

Chia sẻ bài viết