27/07/2014 - 15:48

Nguyễn Xuân Năng - Còn khả năng là còn cống hiến

Đã ngoài lục tuần lại mất đôi bàn tay, nhưng ông vẫn cắp vợt "xông pha" tại giải bóng bàn Hội thao Người khuyết tật toàn quốc 2014 vừa diễn ra tại Cần Thơ. Vì cái tình với quê hương Thanh Hóa mà ông đã có hơn 17 năm cùng đồng đội tham gia thi đấu các giải dành cho người khuyết tật toàn quốc…

Ở tuổi 63, chú Nguyễn Xuân Năng có thể nghĩ đến việc nghỉ ngơi, vui thú điền viên khi 4 người con đều đã trưởng thành, kinh tế gia đình ổn định. Không còn khỏe như trước, lại bị bệnh rề rà, nên chú Năng đã có ý định "gác vợt". Tuy nhiên, khi có công văn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, chú Năng lại suy nghĩ khác. Chú nói: "Lãnh đạo Sở động viên tôi tiếp tục thi đấu. Thanh Hóa chỉ có 3 vận động viên bóng bàn thôi, nên cố gắng tham gia để duy trì phong trào". Vậy là chú Năng cắp vợt vào Nam thi đấu.

Tại Hội thao Người khuyết tật toàn quốc 2014 diễn ra tại Cần Thơ, chú Năng tham gia thi nội dung đơn nam hạng thương tật TT6 và đơn nam mở rộng. Các đối thủ bị khiếm khuyết tay chân, nhưng ít ra cũng còn có thể cầm được vợt, còn chú Năng phải buộc vợt vào khuỷu tay phải để thi đấu. Rất khó khăn, muốn đánh được trái bóng bàn, chú Năng phải di chuyển nhiều gấp đôi đối thủ để đón bóng vào vợt, do không thể thực hiện được những cú đánh trái tay. Với những cú bạt bóng, người bình thường sẽ dùng lực cánh tay và vai, thỉnh thoảng mới dùng cả thân người xoay tạo lực. Còn chú Năng, hầu hết những cú đánh bóng dù nhẹ hay mạnh đều phải sử dụng cả thân người xoay theo đường vợt. Sức khỏe không còn cho phép vận động cường độ cao, nên ở giải năm nay, chú Năng không đạt được thành tích cao. Thế nhưng, hình ảnh một vận động viên cụt 2 tay xoay trở nhanh nhẹn, thi đấu hết sức mình với những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán là rất ấn tượng, khó quên với những người dự khán.

VĐV khuyết tật Nguyễn Xuân Năng thi đấu tại Hội thao Người khuyết tật toàn quốc 2014.

Tuy năm nay không đạt huy chương, nhưng bảng thành tích của "lão tướng" làng bóng bàn khuyết tật này rất dày. Chú Năng xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường toàn quốc là vào năm 1997, do Quảng Trị đăng cai tổ chức. Ngay trong năm đó, chú đạt được 1 HCĐ và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Liên tục nhiều năm sau, chú Năng đều có huy chương ở các giải khuyết tật toàn quốc và được tham gia đội tuyển khuyết tật Việt Nam tranh tài tại các giải Paragames Đông Nam Á và châu Á. Đi đến đâu, chú Năng đều gây bất ngờ và xúc động cho người xem, bởi hầu như không có vận động viên bóng bàn bị cụt 2 tay làm đối thủ của chú trong các cuộc tranh tài cả trong lẫn ngoài nước. Từ thương binh hạng 1/4 mất sức lao động 81%, không còn đôi tay trở thành tấm gương vượt lên số phận. Không kể số huy chương đạt được, chú Năng đã nhận 18 bằng khen của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Thanh Hóa...

Để có được thành tích đáng kể đó là nỗ lực không mệt mỏi, ý chí vượt khó rất kiên cường của người cựu binh này. Sinh ra trong gia đình có 8 chị em ở thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Năng đã hăng hái lên đường nhập ngũ khi vừa học hết lớp 7/10 vào năm 1972. Không may, trong một buổi tập luyện, Nguyễn Xuân Năng đã bị thương vì một quả mìn của địch phát nổ cướp đi đôi tay. Đến năm 1977, thương binh hạng 1/4 Nguyễn Xuân Năng trở về quê hương và lập gia đình. Tuy không còn đôi bàn tay, nhưng Nguyễn Xuân Năng kiên trì luyện tập, tự làm mọi việc, tham gia làm kinh tế cùng gia đình. Đến năm 1994, sau khi giải ngũ về hẳn gia đình, Nguyễn Xuân Năng thấy ở nhà bên cạnh có bàn bóng bàn bằng đá nên nhờ người tập giúp. Dần dần trở nên say mê, chú quyết tâm đánh bóng cho bằng được.

Chú Năng nhớ lại: "Ban đầu tôi không nghĩ sẽ chơi bóng bàn, nhưng được gia đình động viên, tập cho khỏe nên quyết tâm theo môn này tới cùng". Cầm được cây vợt là một cuộc khổ luyện dày công của chú Năng. Những ngày đầu tập bóng, chú buộc vợt vào tay cụt bên phải nhưng đánh không được vì dễ bị vuột ra. Sau đó, chú dùng 2 tay cụt để kẹp vợt, miệng ngậm bóng, nhưng đánh cũng không xong. Cuối cùng, chú kẹp vợt vào khuỷu tay và buộc lại mới đánh được. Rèn luyện khoảng 2 năm trầy trật, nhiều lúc bị vợt đập vào miệng chảy máu hay mất thăng bằng dập mũi vào bàn, tay chân thường xuyên trầy xước, chú Năng đã điều khiển được cây vợt và trái bóng để tham gia giải Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa năm 1997. Cũng từ đó, đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Thanh Hóa luôn có tên VĐV Nguyễn Xuân Năng cụt 2 tay chơi bóng bàn chinh chiến ở các giải Hội thao Người khuyết tật toàn quốc.

* * *

Bằng nghị lực phi thường, VĐV khuyết tật Nguyễn Xuân Năng đã thực hiện được điều tưởng như bất khả thi. Với ông, bóng bàn hay thể thao nói chung là thể hiện tình đoàn kết. Nhà nước đã tạo sân chơi cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, thì những người không may trong cuộc sống như ông phải nỗ lực hết mình để vươn lên.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết