HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NY Times)
Các phần tử nổi dậy đã giết chết 17 binh sĩ Niger trong cuộc tấn công nghiêm trọng đầu tiên nhằm vào quân đội nước này trong vòng nửa năm qua. Phương Tây lo ngại cuộc đảo chính quân sự tại Niger hồi tháng rồi đang làm suy yếu đồng minh hiếm hoi của họ trong cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel thuộc Tây Phi.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ huấn luyện binh sĩ Niger chống khủng bố. Ảnh: U.S. Army
Mỹ và Pháp đã triển khai khoảng 2.500 quân nhân tới Niger để huấn luyện lực lượng an ninh nước này. Pháp còn tiến hành các chiến dịch phối hợp với Niger. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc đảo chính được chỉ huy bởi tướng phụ trách đội cận vệ có trách nhiệm bảo vệ Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum, Washington và Paris đã ngừng các chiến dịch quân sự, qua đó các nhóm thánh chiến có thêm thời gian hồi sức.
Theo nhà báo Wassim Nasr tại Trung tâm Soufan (Mỹ), vụ toán quân bị phục kích tại vùng Tillaberi ở Tây Nam Niger hôm 15-8 là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ leo thang. “Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay là cả hai nhóm thánh chiến đối nghịch, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và Jama’at Nusrat al-Islam wal-Muslimin (một nhánh của tổ chức al-Qaeda), đang đánh dấu lãnh thổ nhờ tận dụng khoảng trống an ninh tạo ra bởi cuộc đảo chính”, ông Nasr nhận định. Bộ Quốc phòng Niger hôm 16-8 cho biết đã tiêu diệt 100 “tên khủng bố” trong vụ đụng độ trên.
Giống như các quốc gia khác tại vùng Sahel, Niger trong nhiều năm đã chật vật kiềm chế cuộc nổi dậy của các nhóm thân IS và al-Qaeda. Cuộc nổi dậy đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, buộc hàng triệu người phải đi lánh nạn và gây khan hiếm lương thực. Trong khi Tướng Abdourahmane Tiani khẳng định việc tiếp quản quyền lực là cần thiết để đẩy lùi cuộc nổi dậy của các nhóm thánh chiến, giới phân tích cho rằng các vụ tấn công khủng bố ở Niger đã giảm dưới thời Tổng thống vừa bị phế truất Bazoum.
Số người chết tại Niger trong 6 tháng đầu năm nay ít hơn so với cùng kỳ của bất cứ năm nào kể từ 2018. Các vụ bạo lực nhằm vào dân thường Niger đã giảm 49% trong năm nay, chủ yếu nhờ binh sĩ Mỹ và Pháp huấn luyện, hỗ trợ lực lượng Niger cũng như chiến thuật chống nổi dậy đa hướng của ông Bazoum. Theo các thỏa thuận, chính quyền Niger dưới thời Tổng thống Bazoum đã cho phép binh sĩ Mỹ, Pháp, Đức và Ý đóng quân tại đây như một phần trong nỗ lực của quốc tế nhằm ngăn chặn cuộc nổi dậy từ những phần tử Hồi giáo cực đoan tràn từ các quốc gia ở phía Nam sang vùng duyên hải.
Tuy nhiên, giờ đây tất cả đều có thể bị đe dọa nếu xung đột trong khu vực bùng phát hoặc chính quyền quân sự Niger yêu cầu lực lượng phương Tây, bao gồm 1.100 lính Mỹ, rời khỏi đất nước và đóng cửa 3 căn cứ máy bay không người lái (UAV) của Washington. Trong đó, có căn cứ UAV trị giá 110 triệu USD ở phía Bắc Niger. “Niger là rào chắn chống các nhóm khủng bố cho những quốc gia duyên hải. Với việc Niger suy yếu, vai trò này khó được duy trì”, cựu Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou đánh giá.
Trong động thái đáng khích lệ, chính quyền quân sự ở Niger hôm 15-8 tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực do cuộc đảo chính gây ra. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế và các nước như Mỹ, Nga và Đức kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16-8 thông báo Đại sứ mới của nước này tại Niger - bà Kathleen FitzGibbon sẽ đến Niamey và bắt đầu làm việc trong tuần này, theo đó chấm dứt hơn một năm rưỡi Mỹ bỏ trống vị trí Đại sứ tại Niger.
Trong khi đó, giới tướng lĩnh quân đội của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đang nhóm họp tại Ghana trong ngày 17 và 18-8 để thảo luận về khả năng can thiệp quân sự vào Niger.
Trong thập niên qua, 3 quốc gia liền kề tại Tây Phi là Niger, Mali và Burkina Faso đã ghi nhận hàng chục ngàn người thiệt mạng vì bạo lực, 3,3 triệu người rời bỏ nhà cửa. Ở Mali năm ngoái, số người chết đã tăng gấp đôi lên khoảng 5.000, trong khi Burkina Faso chứng kiến 4.000 người chết, tăng 80%.