11/10/2023 - 09:25

Nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân mới 

Trong dấu hiệu báo trước khả năng Nga thử nghiệm hạt nhân, các nhà lập pháp nước này có thời hạn đến ngày 18-10 để xem xét biện pháp tốt nhất hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

Các nghị sĩ thảo luận tại phiên họp Duma Quốc gia Nga. Ảnh: Reuters

Các nghị sĩ thảo luận tại phiên họp Duma Quốc gia Nga. Ảnh: Reuters

Hiệp ước năm 1996 cấm tất cả các vụ thử hạt nhân trên Trái đất, kể cả vì mục đích hòa bình. Có 187 quốc gia ký kết CTBT và chỉ 178 nước phê chuẩn. Hiện Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Israel đã ký nhưng chưa phê chuẩn, còn Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên thì chưa ký. Mặc dù hiệp ước chưa chính thức có hiệu lực, nhưng nó khiến thử nghiệm hạt nhân gần như trở thành “điều cấm kỵ”. Tuy vậy, vẫn có 10 vụ thử diễn ra kể từ đó. Theo Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ và Pakistan mỗi nước tiến hành 2 vụ vào năm 1998 trong khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 (hai lần) và 2017.

Nga phê chuẩn CTBT vào năm 2000, nhưng nước này đã không thử hạt nhân từ năm 1990. Tuần rồi, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không cần cập nhật học thuyết hạt nhân vốn quy định điều kiện sử dụng vũ khí nguyên tử. Song, Mát-xcơ-va phải đánh giá lại việc phê chuẩn CTBT và trở nên “bình đẳng” hơn với Mỹ. Hôm đầu tuần, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Vyacheslav Volodin thảo luận vấn đề trên với quốc hội và cho biết rút lại phê chuẩn CTBT là vì lợi ích đất nước. Trong tuyên bố sau đó, cơ quan này ra hạn cho ủy ban phụ trách vấn đề quốc tế đến ngày 18-10 nghiên cứu phương án hủy bỏ phê chuẩn CTBT. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng quyết định của Nga không đồng nghĩa tuyên bố nước này nối lại các vụ thử hạt nhân.

Một số nhà phân tích an ninh coi việc rút khỏi CTBT là lời nhắc nhở rõ ràng từ Mát-xcơ-va, rằng họ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới giữa thời điểm Điện Kremlin đang đối đầu với phương Tây. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Putin liên tục cảnh báo Mỹ và đồng minh về sức mạnh hạt nhân của Nga, bao gồm tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông cũng đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New START với Mỹ. Gần đây, Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik, khiến nhiều người thêm lo khi coi đây là dấu hiệu nữa về khả năng Nga tiến hành thử hạt nhân.

Trong trường hợp đó, cuộc thử nghiệm sẽ là tuyên bố của Nga về ý định phát triển hơn nữa vũ khí hạt nhân. Nó cũng gửi cảnh báo đến Mỹ, rằng Nga về cơ bản có thể thay đổi kế hoạch hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hiện căng thẳng giữa 2 nước đã lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, đúng lúc Trung Quốc tìm cách củng cố kho vũ khí hạt nhân để phù hợp vị thế siêu cường mới nổi. Trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích lo ngại Nga thử hạt nhân có thể khuyến khích nhiều nước như Mỹ hoặc Trung Quốc làm theo, mở đường cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các cường quốc.

Module của Nga trên trạm vũ trụ ISS bị rò rỉ chất làm mát

Cơ quan vũ trụ LB Nga Roscosmos ngày 9-10 cho biết module Nauka đa năng của cơ quan này đã bị rò rỉ hệ thống làm mát dự phòng, vốn được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ môi trường cho các phi hành gia làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) - đối tác của Roscosmos trên ISS - cũng xác nhận thông tin trên, khẳng định vụ việc này “không gây bất cứ nguy cơ nào đối với phi hành đoàn trên trạm”.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, aljazeera)

Chia sẻ bài viết