Bài, ảnh: THANH ÐÌNH
Sau thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản (BÐS) TP Cần Thơ đã tái khởi động cùng với đà phục hồi kinh tế - xã hội của thành phố. Thị trường cuối năm kỳ vọng những tín hiệu khả quan hơn khi các nhà đầu tư đang quan tâm đa dạng sản phẩm BÐS ở nhiều phân khúc khác nhau cũng như thu hút các dòng vốn đầu tư an toàn, lành mạnh.
Một góc dự án chung cư nhà ở xã hội An Phú, quận Cái Răng.
Trải qua các giai đoạn đầu tư, phát triển trong trung và dài hạn, nhìn chung những dự án BÐS được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư thứ cấp cũng như người dân có nhu cầu mua BÐS để “an cư” hoặc kinh doanh, nhờ vào khả năng thanh khoản cao. Theo Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ, các dự án BÐS đã hoàn thiện hạ tầng, gần trung tâm thành phố, gần các trục đường giao thông lớn, các nhánh chính, hiện có giá bình quân 40-60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp các tuyến đường giao thông nhỏ hơn có mức giá từ 19-30 triệu đồng/m2, tăng khoảng 7-10% trong vòng 2 năm qua.
Ðất nền, nhà phố liên kế trong các khu đô thị mới; đất nền, nhà ở xây dựng sẵn trong các khu đô thị truyền thống vẫn là sản phẩm chủ đạo của thị trường BÐS Cần Thơ trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, với sức bật của một đô thị trung tâm ÐBSCL, các nhà đầu tư hướng về TP Cần Thơ để tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở những phân khúc mới, với những tiềm năng chưa được khai phá, hoặc được khai phá nhưng chưa đúng mức. Vì thế, theo đánh giá của Hiệp hội BÐS thành phố, BÐS công nghiệp, BÐS khu đô thị đa tiện ích, BÐS sinh thái miệt vườn, căn hộ chung cư là những phân khúc sản phẩm mới, sản phẩm chủ đạo tại thị trường BÐS Cần Thơ trong giai đoạn cuối năm 2022 và trong năm 2023. Trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện các dự án căn hộ cao cấp tạo môi trường sống với đầy đủ các tiện ích, tiện nghi…
Bên cạnh đó, với những đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, tiềm năng phát triển nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản và thu hút FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics…, BÐS ở ÐBSCL mà Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng, sẽ là điểm đến hấp dẫn dành cho nhà đầu tư cả nước, trong ngắn hạn và trung hạn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, tính đến 30-6-2022, dư nợ cho vay lĩnh vực BÐS là 34.199 tỉ đồng, tăng 8,51% so với cuối năm 2021. Tín dụng BÐS ở TP Cần Thơ tương tự như các tỉnh, thành trong toàn quốc, song không quá sôi động như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay một số điểm nóng về BÐS ở một số địa phương. 6 tháng đầu năm, tín dụng BÐS tăng chậm hơn so với các lĩnh vực khác và chỉ tăng hơn 8% so với tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng của toàn thành phố là 12,88% so với đầu năm. Nguồn vốn tín dụng này đảm bảo kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, sửa chữa nhà… NHNN Chi nhánh cũng triển khai kịp thời đến các tổ chức tín dụng những quy định, văn bản hướng dẫn của NHNN về tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất. Ðồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tuân thủ biện pháp điều chỉnh về chính sách của NHNN để đảm bảo tín dụng BÐS đi đúng hướng, đúng đối tượng; tránh đầu cơ; hỗ trợ thủ tục tiếp cận vốn vay cho khách hàng chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro phát sinh nợ xấu.
Theo Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ, thị trường BÐS 6 tháng đầu năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên trong tương lai gần sẽ dần được tháo gỡ về nguồn vốn BÐS, cũng như khơi thông dòng chảy đầu tư trong và ngoài nước về khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có TP Cần Thơ. Thông qua triển vọng về cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh, những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ kịp thời, tiến độ triển khai các dự án đầu tư nói chung và dự án BÐS nói riêng được đẩy nhanh hơn; hỗ trợ mở rộng nguồn cung dự án mới cho thị trường. Riêng tại TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL, cuối năm 2022 và trong năm 2023, nguồn cung sẽ rộng mở hơn với các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt cấp phép và đủ điều kiện giới thiệu ra thị trường.
Theo ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ, thành phố cần tăng cường tạo quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư cũng như sớm ban hành quyết định giá tiền sử dụng đất, giá tiền thuê đất, giá nền tái định cư, giá bồi thường các dự án BÐS trên địa bàn thành phố để các chủ đầu tư dự án thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ðẩy nhanh thực hiện thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện được cấp giấy theo quy định... Phối hợp hướng dẫn các chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thủ tục cấp phép đủ điều kiện bán nhà ở, căn hộ chung cư… hình thành trong tương lai và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ. Ðối với các dự án nhà ở, khu đô thị mới, đề nghị các sở ngành liên quan và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp BÐS, chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt tiếp cận các nguồn vốn tín dụng BÐS trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đầu tư các dự án. Ðây là điều cần thiết và quan trọng, giúp thị trường BÐS phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, bởi nếu nguồn cung BÐS không đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở sẽ có khả năng bị đẩy giá tăng lên, tạo nhiều hệ lụy.