05/02/2015 - 15:38

Người tiên phong nâng giá trị cho lúa gạo đồng bằng

Xuân Trường

Ở ĐBSCL hiện nay, cái tên Hồ Quang Cua đã trở nên quen thuộc hơn với nông dân và doanh nghiệp lúa gạo (hai đối tác chính trong liên kết 4 nhà, trong việc hình thành nên hàng loạt cánh đồng lớn không chỉ ở Sóc Trăng, mà còn ở nhiều tỉnh trong khu vực). Đơn giản chỉ vì ông chính là người tiên phong chuyển "tư duy số lượng sang tư duy giá trị" trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.

Trăn trở lượng và chất

Theo ông, đó là tư duy thị trường được hình thành trong quá trình chỉ đạo phát triển sản xuất lúa gạo của địa phương. Ông lý giải: "Từ khi lúa gạo được xem như một loại hàng hóa, nông dân luôn mong mỏi bán được với giá cao nhất, để tăng thêm mức lợi nhuận sau mỗi vụ lúa. Cây lúa thơm Sóc Trăng (ST) tuy chỉ chiếm phần diện tích ở vùng 2 vụ lúa/năm hoặc 1 vụ lúa + 1 vụ tôm, nhưng đã đáp ứng được niềm mong mỏi này".

3 năm sau khi Nghị quyết Đại hội VI, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu những lô gạo đầu tiên. Là một người con của vùng đồng bằng châu thổ, ông luôn suy nghĩ: "Việt Nam mới cởi mở trong chính sách mà đã có gạo xuất khẩu, vậy thì khi chính sách được hoàn thiện, hạ tầng thủy lợi được mở rộng, mạng lưới khuyến nông được thành lập, vật tư, kỹ thuật tiên tiến được du nhập, cùng với nguồn nhân lực dồi dào của Viện Lúa ĐBSCL được đào tạo ở nước ngoài trở về thì sản lượng lúa gạo sẽ phát triển đến mức nào, khi đó, chuyện tiêu thụ sẽ ra sao..."?. Tất cả những suy tư, trăn trở đó cứ ập đến với ông mỗi ngày một nhiều thêm, trong lúc tỉnh Sóc Trăng chỉ vừa tái lập (1992) được vài năm, đồng ruộng còn ngổn ngang, sản lượng lúa vẫn còn dưới 1 triệu tấn/năm.

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua bên cánh đồng lúa Nhật. Ảnh: X.Trường

Ông Cua chia sẻ: "Tại sao kinh tế nước ta đang phát triển mà chất lượng bữa cơm lại ngày càng kém đi"?. Và ông nhìn nhận: "Song song với sự phát triển về mặt sản lượng là sự mai một của những giống lúa mùa cổ truyền, lúa thơm; trong khi đó, các giống lúa cải thiện ngắn ngày tuy năng suất ngày càng được nâng cao, nhưng kèm theo đó là chất lượng ngày càng kém". Với cách nhìn thấu đáo trên, ông đã sớm nhận ra một thực trạng là: "Chính sách đổi mới của Đảng sau Đại hội lần thứ VI chưa được các nhà quản lý nông nghiệp, các nhà khoa học hiểu một cách thấu đáo, nên khi vận dụng vào thực tế chưa mang lại kết quả như mong đợi".

Chiến lược "thơm và ngon"

Những năm đầu của thập niên 90, lúa thơm có rất ít chủng loại giống, năng suất lại thấp và nhiều sâu bệnh. Chính điều này đã tạo nên một tâm lý sợ khó của các nhà khoa học và nó nhanh chóng truyền dẫn sang các nhà quản lý ngành nông nghiệp. Vì vậy, trong suốt thời gian dài, không ai dám tham mưu cho Đảng, Nhà nước về một định hướng nghiên cứu cải thiện phẩm chất giống lúa để đáp ứng các phân khúc khác nhau của thị trường. Nhưng theo ông, liệu có một căn cứ nào để khẳng định rằng những trở ngại trên là không thể khắc phục được? Ông Cua phân tích: "Chính tư duy "lấy số bù chất", "lấy no bụng" làm tiêu chí phát triển lúa gạo của một thời khốn khó đã làm cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam bị dồn vào một "rổ" mãi đến vài năm nay mới cải thiện được chút ít (đã có vài phần trăm gạo thơm được xuất khẩu)".

Những trăn trở trên đã giúp cho ông vạch ra một chiến lược phát triển lúa thơm Sóc Trăng (ST) theo hướng: "Thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon" từ 20 năm trước, để đến hôm nay, gạo thơm Sóc Trăng trở thành mặt hàng chủ lực trong kinh doanh nội địa cũng như xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên cả nước. Do "cầm đèn chạy trước ô tô", nên ông gặp vô vàn khó khăn trên con đường mở rộng phân khúc thị trường mới cho lúa gạo. Cái khó đầu tiên chính là giống. Những giống lúa có sẵn vẫn còn nhiều khiếm khuyết không thể phục vụ cho mục tiêu này, nên buộc ông phải tiến hành chọn tạo giống mới. Nhưng để chọn tạo giống lúa mới cần phải có kinh phí, trang thiết bị, trạm trại và nhất là nguồn nhân lực có trình độ, nên đây cũng chính là cái khó tiếp theo của ông.

Ông dần dần tập hợp được lực lượng, để đào tạo nâng cao tay nghề và bằng cấp chuyên môn. Với hiệu quả kinh tế - xã hội, nên ngay từ đầu, nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, sự đồng tình hưởng ứng của nông dân và người tiêu dùng trên nhiều thị trường chấp thuận. Những tưởng "nút thắt" đã được gỡ, nhưng nhóm nghiên cứu của ông lại gặp phải "rắc rối". Ông kể: "Khi khảo nghiệm sản xuất để xét công nhận giống quốc gia thì lại không có giống lúa thơm khác để so sánh. Nhưng, với tiếng nói của thị trường, của các doanh nghiệp và nhất là ý kiến chỉ đạo đặc cách công nhận của Bộ trưởng mới giúp cho giống lúa thơm ST có được tấm giấy "khai sinh", dầu khá chật vật".

Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (người đi thứ 2) trong một lần đi thực tế vùng sản xuất lúa chất lượng cao của Sóc Trăng. Ảnh: X.Trường

Tạo chuỗi giá trị dài và bền vững

Từ hơn một thập kỷ nay, đã có đôi ba lần giá lúa gạo trong nước lao dốc như trường hợp ở vụ đông xuân 1999 - 2000 và một số lần khác ở những năm gần đây, nhưng còn điệp khúc "trúng mùa, rớt giá" thì gần như xảy ra thường xuyên hơn. Và, cứ mỗi lần điệp khúc ấy xuất hiện thì lúa thơm ST lại tăng nhanh diện tích và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Điều gì đã làm nên sự "nghịch biến" này? Không khó để đưa ra câu trả lời mang tính thuyết phục nhất chính là hai chữ: "giá trị". Chính giá trị hạt gạo thơm ST cao, đã mang lại cho người trồng lúa và cả doanh nghiệp một mức lợi nhuận cao hơn hẳn so với những giống lúa khác.

Theo thống kê mới đây, mỗi năm Sóc Trăng có 30.000ha lúa thơm từ giống ST và còn ngần ấy diện tích lúa ST được sản xuất ở các tỉnh ven biển trong khu vực. Vào đầu tháng 7-2013, nhân hội nghị về lúa gạo tổ chức tại TP Cần Thơ, sau một vụ lúa trúng mùa, thất giá, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị và giống lúa thơm ST với giá trị gạo xuất khẩu từ 800 - 900 USD/tấn là một điển hình duy nhất được Bộ trưởng nhắc đến.

Tại Sóc Trăng, vấn đề liên kết 4 nhà để xây dựng cánh đồng mẫu đã có hơn chục năm nay, thông qua hình thức tổ chức các câu lạc bộ lúa thơm ST3 sản xuất, cung ứng theo hợp đồng tiêu thụ với nhà máy chế biến gạo chất lượng cao ở Ngã Năm do Đan Mạch tài trợ. Nhắc đến mô hình này, ông Cua giải thích thêm: "Bản chất của mô hình này là tổ chức các liên kết ngang (nông dân với nông dân) để làm đối tác với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo theo liên kết dọc. Hay nói một cách khác, đây chính là mô hình tái tổ chức lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất. Sự phối hợp, tương tác giữa hai nhân tố trên, chính là mắt xích quan trọng xây dựng nên mối liên minh công-nông kiểu mới, đảm bảo cho tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một cách hiệu quả và bền vững".

Chuỗi quá trình trên được khởi đầu ở giống lúa "thơm cho ra thơm, ngon cho ra ngon" để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng dài, lợi nhuận nhiều và được phân bổ cho mọi thành phần tham gia, từ người nông dân, ông tổ trưởng, chuyên viên kỹ thuật, người quản lý hành chính, doanh nghiệp...Với mức lợi nhuận vượt trội, từ 5 - 7 triệu đồng/ha, thậm chí đến 20 triệu đồng/ha so với các giống lúa cao sản thường, 15 năm qua, lúa thơm ST đã đem lại mức lợi nhuận tăng thêm hàng ngàn tỉ đồng, tạo nguồn vốn cho nông dân tự xây dựng nông thôn mới giàu đẹp với nhà cửa khang trang, thiết bị sản xuất đắt tiền và hơn nữa là một ý thức liên kết thành cộng đồng sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao. Có thể nói, những nông dân sản xuất lúa thơm ST đang âm thầm từng bước tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho nền sản xuất, cho xóm giềng thông qua mối liên kết 2 chiều.

Nói về chuyện tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, ông chia sẻ: "Chúng ta đã có giống tốt và một quy trình canh tác hoàn chỉnh. Doanh nghiệp đã có thị trường tiêu thụ khá ổn định với giá cao. Vì vậy, công việc còn lại là tổ chức sản xuất sao cho tốt, để gắn kết nông dân với doanh nghiệp lại với nhau, tạo nên một chuỗi giá trị hoàn chỉnh hơn cho lúa thơm ST". Bằng uy tín của ông, hàng chục cánh đồng lớn sản xuất lúa ST, với diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta đã có được hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cái hay của ông là dù trong thời điểm việc tiêu thụ lúa gạo gặp khó khăn, hay giá cả tăng cao đột biến, thì những cánh đồng liên kết do ông tổ chức vẫn luôn thực hiện tốt theo hợp đồng đã ký kết. Ông Cua phân tích: "Vấn đề chính cho sự bền chặt của mối liên kết nông dân với doanh nghiệp chính là ở giá trị. Chính giá trị hạt lúa, hạt gạo ST trên thị trường cao đã tạo nên chất keo kết dính họ lại với nhau trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi nhuận cao. Ở đây cũng phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của người quản lý cánh đồng lớn, của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ nhà đầu tư (doanh nghiệp) khi thực hiện liên kết này".

Hơn một năm nay, ông đã về hưu bên một trang trại và ngoài việc nghiên cứu lúa, ông còn tư vấn cho doanh nghiệp, cho xóm ấp tiếp tục hình thành lực lượng và quan hệ sản xuất mới, tiên tiến và hiện đại hơn, để Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo của mình. Hiện ông đang ấp ủ ước mơ xây dựng những ấp, xã, huyện lúa thơm và cả những con đường lúa thơm, để tạo dựng hình ảnh mới cho những vùng quê lúa Sóc Trăng đối với bạn bè gần xa.

Chia sẻ bài viết