13/04/2023 - 18:57

Người Mỹ không tin vai trò toàn cầu của Trung Quốc 

MẠNH TRƯỜNG (Theo Nikkei)

Theo cuộc khảo sát gần đây, hơn 80% người Mỹ đánh giá tiêu cực hành vi của Trung Quốc trên thế giới và không mấy lạc quan về triển vọng hợp tác giữa 2 cường quốc.

Ông Tập (phải) gặp gỡ Tổng thống Putin trong chuyến thăm hồi tháng 3.

Khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện trong tháng 3, tiếp cận 3.576 người Mỹ trưởng thành. Kết quả thu được cho thấy khoảng 83% người tham gia có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, 44% nói rằng họ “rất không ủng hộ” và 38% coi Bắc Kinh là “thù địch” thay vì đối tác hay đối thủ cạnh tranh. Về vai trò của nhà lãnh đạo, chỉ 8% tin tưởng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi 3/4 không nghĩ rằng chính trị gia 69 tuổi có hướng giải quyết đúng đắn cho nhiều vấn đề thế giới hiện nay. Ðối với tình hình Ðài Loan, 47% người Mỹ nhìn nhận căng thẳng giữa Bắc Kinh và hòn đảo là vấn đề rất nghiêm trọng, tăng 19 điểm so với khảo sát thực hiện cách đây 2 năm.

Trong khảo sát, những báo cáo về Trung Quốc vi phạm nhân quyền vẫn là chủ đề thu hút tranh luận. Bên cạnh đó, lo ngại về vai trò địa chính trị của Trung Quốc cũng được đặt lên hàng đầu giữa lúc quan hệ giữa Bắc Kinh với Nga ngày càng chặt chẽ trong khi cuộc chiến Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hồi tháng rồi, ông Tập đến Mát-xcơ-va trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ 3. Ðối với quan hệ được Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả “đang ở mức cao nhất trong lịch sử”, 62% người Mỹ lo ngại liên minh này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Washington.

Trước đó, quan hệ Mỹ - Trung được định hình theo hướng hợp tác và cạnh tranh. Những năm gần đây, căng thẳng song phương liên tục leo thang về một loạt vấn đề kinh tế - chính trị. Trong bối cảnh như vậy, nhiều người Mỹ cho rằng rất ít cơ hội để 2 chính phủ làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Theo khảo sát, 54% người tham gia không lạc quan trước viễn cảnh Mỹ và Trung Quốc hợp tác giải quyết các xung đột quốc tế và 52% không tin 2 bên có thể cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay nguy cơ bùng phát đại dịch.

Tuy nhiên, có 65% người tin tưởng Washington và Bắc Kinh có thể làm việc trong các chương trình trao đổi sinh viên trong khi 52% nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực kinh tế. Bất chấp những nỗ lực “tách rời”, Mỹ - Trung được cho vẫn phụ thuộc nhau, ít nhất là về mặt thương mại. Ðiều này được phản ánh qua dữ liệu tổng thương mại hàng hóa giữa hai nước tăng lên 690 tỉ USD vào năm 2022, vượt qua mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2018 (659 tỉ USD). Dù vậy, cũng có bất mãn khi gần một nửa người tham gia khảo sát nói rằng Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn từ giao thương với Mỹ.

Về ảnh hưởng của truyền thông xã hội, người dân xứ cờ hoa đa phần không tin các nền tảng truyền thông xã hội trong nước, nhưng niềm tin này đối với cường quốc châu Á còn ít hơn với 59% hoàn toàn không tin các công ty Trung Quốc tuân thủ các chính sách bảo mật thông tin cá nhân.

Thanh niên ở các cường quốc châu Âu chỉ trích cả Mỹ và Trung Quốc

Trong khi người Mỹ suy nghĩ tiêu cực về Trung Quốc, khảo sát khác của Pew cho thấy giới trẻ Anh, Pháp và Ðức bất mãn với Bắc Kinh lẫn Washington. Theo trang tin BBC, thanh niên thuộc đa dạng nhóm ý thức hệ ở 3 nước châu Âu nói trên kiên định với quan điểm Mỹ đóng vai trò “cảnh sát của thế giới” và sự can thiệp quân sự của Washington ở Iraq cùng Afghanistan là ví dụ cụ thể về ảnh hưởng nước ngoài của Mỹ có tác động tiêu cực như thế nào. Cũng có cáo buộc “đạo đức giả” nhắm vào Washington khi họ tranh luận cho nhân quyền và dân chủ ở nước ngoài mà không khắc phục các vấn đề ở trong nước.

Trong khi đó, thái độ cảnh giác về sự thống trị của Trung Quốc được hình thành dựa trên những chỉ trích gay gắt đối với các hành vi vi phạm nhân quyền và động thái quân sự của nước này ở Biển Ðông. Nhưng xét từ quan điểm kinh tế, những người được khảo sát thừa nhận việc tách rời đất nước và bản thân họ khỏi Trung Quốc không phải mục tiêu thực tế. Nhìn chung, Giáo sư Steve Tsang của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Ðại học London (Anh) cho biết bản chất giới trẻ châu Âu không đánh giá cao hoặc ngưỡng mộ quyền lực. Họ không thích các nước lớn chỉ bảo người khác phải làm gì, nhưng cả Mỹ - Trung đều thể hiện điều đó theo những cách khác nhau. Ðiều này dẫn tới cách nhìn, trong đó xác định người Mỹ “đế quốc” hơn những gì họ muốn công nhận còn Trung Quốc có vẻ “rất thực dân”.

Chia sẻ bài viết