02/02/2020 - 10:37

Nhà nghiên cứu Trần Minh Thương:

Người miền Tây ăn Tết, chơi Tết tuy bình dị nhưng rất kỹ lưỡng 

Tết Canh Tý vừa qua với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Thời buổi kinh tế thị trường, đô thị hóa, người miền Tây vẫn giữ cho mình lệ cũ, thuần phong ngày Tết. Chia sẻ với Báo Cần Thơ ngày đầu năm, nhà nghiên cứu Trần Minh Thương (Sóc Trăng), trần tình:

Dịp Tết vừa qua, tôi có dịp đi du Xuân, chúc Tết nhiều nơi ở miền Tây. Tôi thấy rằng, bà con mình vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Nhà nhà, người người dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng lo đủ đầy ba ngày Tết. Chiều Ba mươi, nhà nào cũng có mâm cơm cúng rước Ông Bà. Ở đó, bao thế hệ trong gia đình cùng quây quần hàn huyên chuyện của năm cũ, chuẩn bị đón giao thừa mừng năm mới. Ngày Tết cũng là dịp để mọi người kính nhớ Tổ tiên, vọng tưởng nguồn cội. Trẻ nhỏ thì xúng xính quần áo mới, trong vòng tay của ông bà, cha mẹ với những lời chúc Tết hồn nhiên, dễ thương…

Tuy nhiên, với tính phóng khoáng, người dân miền sông nước dễ dàng thu nhận những nét cách tân để phù hợp với không gian văn hóa mới. Nhiều thùng loa, nhiều bản nhạc đương đại dần thay những ban nhạc đờn ca tài tử trong xóm, ấp, trong mỗi mái nhà. Các trò chơi dân gian truyền thống ngày Tết ít đi… Một số yếu tố mang tính chất “thương mại hóa” đã bắt đầu manh nha trong các ứng xử, giao tiếp ngày Tết như lì xì, biếu tặng quà Tết…

* Theo anh, đâu là điều cốt lõi mà người miền Tây vẫn giữ được trong cách “ăn Tết”?

- Tôi cho rằng, người miền Tây vẫn giữ được trong cách “ăn Tết” những điều rất nhân bản: Tưởng hướng tiền nhân, nguồn cội; giữ lễ nghĩa, phép tắc và mong cầu những điều tốt lành trong những ngày đầu năm. Tết Nguyên đán là Tết đoàn viên, đoàn tụ. Dù đi đâu, người tha phương cũng quay về nhà để sum vầy, vui xuân cùng cha me, anh em, họ hàng. Tết là dịp để mọi người, mọi nhà tự làm mới mình, làm đẹp cho làng xóm, quê hương, trong nhà ngoài ngõ đều tinh tươm. Điều này vừa là niềm tự hào vừa thể hiện lòng hiếu khách của người dân quê miền sông nước.

Ở đây, tôi xin được nói thêm, dùng từ “ăn Tết” nghĩa là “văn hóa ăn Tết”, nội hàm rộng hơn rất nhiều so với cách hiểu từ “ăn” trong ẩm thực.

* Nhắc chuyện “ăn Tết”, được biết anh vừa ra mắt quyển sách “Ăn Tết chơi Tết miền Tây”, một đề tài rất thú vị. Anh có thể chia sẻ đôi điều về ấn phẩm này?

- Cuốn sách “Ăn Tết chơi Tết miền Tây” được NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành ngay ngày đưa Ông Táo về trời năm nay. Trong đó, tôi tập hợp 26 bài viết về chuyện ăn Tết và chơi Tết mà tôi đã có dịp sưu tầm, ghi chép trong dân gian một số nơi ở vùng đất Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp… từ năm 2013 đến năm 2018. Tất nhiên, nó chỉ là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh, nhưng ít nhiều tôi cũng đã cố gắng điểm xuyết lại những dư vị văn hóa Tết xưa còn phảng phất và tồn tại trong đời sống của bà con tận hôm nay. Cứ vào dịp Tết đến xuân về, người miền Tây lại bắt đầu những công việc với họ chưa bao giờ là cũ, là hết thú vị mà luôn tràn đầy sự háo hức, vui tươi. Cách người miền Tây Tết nhà, Tết vườn, Tết giếng, Tết ghe, Tết Trâu, cúng ông Chuồng bà Chuồng… là những nét đẹp trong văn hóa gắn liền với nền kinh tế tự túc tự cấp từ ngày xưa. Tinh thần nhân văn của người miền Tây trong ngày Tết là tư tưởng xuyên suốt của ấn phẩm này.

Trẻ em vùng quê xúng xính quần áo đi chơi Tết. Ảnh:  DUY KHÔI

* Câu hỏi cuối cùng, nếu phải dùng một câu để nói về Tết ở miền Tây, anh sẽ nói điều gì?

- Ở câu hỏi này, tôi mượn lời tác giả Diễm My khi chị nhận xét về cuốn “Ăn Tết chơi Tết miền Tây”: “Người dân miền sông nước ăn Tết, chơi Tết tuy bình dị nhưng rất kỹ lưỡng và chu toàn cả về mặt tâm linh lẫn cách đối nhân xử thế trong nghĩa tình làng xóm”.

* Xin cảm ơn anh!

Đăng Huỳnh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết