24/08/2012 - 15:35

Người mẹ nhiễm HIV nên cân nhắc khi muốn có con

Các thai phụ được tư vấn về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

Nếu trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, thì tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ từ 25-40%. Trong khi nếu điều trị dự phòng, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV dưới 5%, thậm chí dưới 2%. Chính vì thế, từ năm 2005, Chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con triển khai tại Việt Nam và Chương trình chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ được triển khai từ năm 2009. Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết:

- Hiện nay, cả nước có 215 cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con (viết tắt là DPLTMC), 114 phòng khám ngoại trú nhi, 75 cơ sở chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV cho trẻ, điều trị 3.491 trẻ em nhiễm HIV, ước tính 5.200 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Từ tháng 12-2009 đến tháng 6-2012, có 4.392 trẻ dưới 18 tháng tuổi được lấy mẫu máu xét nghiệm HIV. Trong đó, phát hiện 451 trẻ có kết quả dương tính (chiếm tỷ lệ 10,3%).

* Thưa bác sĩ, DPLTMC toàn diện bao gồm những dịch vụ nào?

- Bao gồm tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Nếu kết quả người mẹ nhiễm HIV thì sẽ được điều trị DPLTMC bằng ARV. Sau sinh, trẻ được cấp sữa ăn thay thế và chuyển đến phòng khám ngoại trú nhi, mẹ sẽ chuyển đến phòng khám ngoại trú người lớn để tiếp tục theo dõi và điều trị. Đồng thời, chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV của trẻ (xét nghiệm PCR) lần 1 khi trẻ 4-6 tuần tuổi. Nếu kết quả âm tính và trẻ hoàn toàn không bú mẹ trong 6 tuần trước khi xét nghiệm, trẻ tiếp tục được theo dõi và thực hiện xét nghiệm phát hiện kháng thể HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi để khẳng định tình trạng nhiễm (nếu trẻ bú mẹ thì làm lại xét nghiệm 6 tuần sau khi ngưng bú). Nếu kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính thì bác sĩ tư vấn cho gia đình và điều trị ARV cho trẻ ngay. Đồng thời, tiến hành xét nghiệm lần 2 ngay lập tức cho trẻ. Nếu kết quả lần 2 âm tính, trẻ tiếp tục được theo dõi và thực hiện xét nghiệm phát hiện kháng thể HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi để khẳng định tình trạng nhiễm.

* Trẻ được chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV có lợi gì?

- Nếu không được điều trị, 50% trẻ nhiễm HIV chết trong năm đầu tiên chào đời và 75% trẻ chết ở năm thứ hai. Vì thế nếu trẻ được chẩn đoán sớm, điều trị sớm thì giảm tỷ lệ tử vong. Đồng thời, giảm chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng, giảm tải lượng vi rút trong máu, do đó giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

* Thưa bác sĩ, nếu người mẹ nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng tích cực ngay từ đầu thì có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con ? Điều này có đúng không ?

- Việc trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm được điều trị DPLTMC tích cực có bị nhiễm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: người mẹ uống thuốc dự phòng vào thời điểm nào, có tuân thủ điều trị... Mẹ lây nhiễm HIV cho trẻ trong quá trình mang thai là 5-10%, khi chuyển dạ sanh là 10-25%, sau đẻ bú mẹ là 10%.

* Nếu trẻ nhiễm HIV được điều trị sớm, có thể sống được bao lâu?

- Hiện nay, do chương trình chẩn đoán và điều trị sớm cho trẻ mới được triển khai 3 năm nay nên chưa khẳng định chắc chắn trẻ sẽ sống được bao lâu. Nhưng hiện nay, có nhiều trẻ 16-17 tuổi đang tham gia điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều em đang đi học, sinh hoạt bình thường.

* Hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm HIV và điều trị cho trẻ như xét nghiệm PCR trẻ sau sinh, điều trị ARV, cấp sữa... có tốn kém không? trẻ được cấp sữa ăn đến lúc nào ?

- Hiện nay, các dịch vụ như xét nghiệm PCR để chẩn đoán và xác định tình trạng nhiễm, xét nghiệm CD4 (tải lượng vi rút), điều trị ARV và nhiễm trùng cơ hội đều miễn phí. Trẻ cũng được cấp sữa ăn thay thế trong 6 tháng (những tỉnh, thành có dự án hỗ trợ thì cấp sữa đến 18 tháng).

Khác với người lớn chỉ điều trị ARV khi CD4 dưới 350, còn trẻ em khi xét nghiệm lần 1 dương tính cần điều trị ARV ngay, không cần chờ các tiêu chuẩn về lâm sàng hay suy giảm miễn dịch.

* Nếu người mẹ nhiễm HIV mang thai và sinh con, sức khỏe có bị suy giảm không? Bác sĩ có những khuyến cáo gì với người phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và sinh con?

- Nếu dự phòng theo đúng quy định thì cũng không chắc chắn 100% trẻ không bị nhiễm HIV, vì vậy phụ nữ nhiễm HIV cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định có con. Cần biết rằng, tỷ lệ lây truyền mẹ sang con phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh của mẹ, tải lượng vi rút trong máu mẹ... nếu người phụ nữ bị nhiễm HIV đang ở giai đoạn lâm sàng 3,4 thì không nên mang thai. Trước khi mang thai, người mẹ cần đến bác sĩ để được tư vấn kỹ, bàn bạc với người thân, chuẩn bị mọi mặt về kinh tế... rồi mới quyết định có nên có con hay không?

* Xin cảm ơn bác sĩ !

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết