23/07/2017 - 09:14

Người lính của rừng Trần Hưng Đạo

Bút ký: NGUYỄN NGỌC TUYẾT

 

Nghe tin cụ Tô Đình Cắm, người lính cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vừa mất ngày 14-7-2017, trong tôi chợt trào dâng kỷ niệm lần có duyên được thăm cụ…

Cụ Tô Đình Cắm và bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Mai Vinh, tuoitre.vn

Cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng khoảng 7 cây số có một ngôi nhà đặc biệt, mỗi ngày thường đón khách đến thăm. Ngôi nhà tình nghĩa nhỏ xinh có khoảng sân xanh rợp bóng cây trước cửa, là nhà cụ Tô Đình Cắm, thành viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của quân đội ta. Cụ cũng là người duy nhất còn tại thế trong 34 người lính của rừng xưa. Nhờ duyên may, tôi và các bạn trong đoàn đi thực tế sáng tác được các bạn địa phương dẫn đến nhà thăm cụ.

Trong nhà cụ Tô Đình Cắm, quý giá nhất là bàn thờ lớn ngay giữa nhà, có hình Bác Hồ ngồi đọc sách, hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang tươi cười. Dưới những tấm hình, là cái nón của người lính và hình lúc còn trẻ của chủ nhà như ghi dấu một thời hào hùng đã qua. Căn nhà tình nghĩa của cụ Tô Đình Cắm được xây vào năm 2013, bởi có cả khoảng thời gian dài giấy tờ bị thất lạc, cụ được công nhận thương binh sau 60 năm giải ngũ (tức năm 2013), bấy giờ đã 92 tuổi.

Cụ Tô Đình Cắm được con cháu dìu ra phòng khách. Theo người nhà, bước chân của cụ hơi yếu bởi đã bước qua tuổi 95. Có vẻ tai cụ bắt đầu lảng nên khi chúng tôi hỏi han, cụ Tô Đình Cắm chỉ cười thật hiền, mắt ánh lên niềm vui. Hỏi cụ còn ăn được nhiều không? Ăn mỗi bữa một bát. Rượu uống được không? À, rượu còn uống được à. Cả bác cháu đều cười vui.     

***

Sinh năm 1922 ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cụ Tô Đình Cắm (còn gọi Tô Văn Cắm, Tô Tiến Lực) thuở trẻ năng nổ và tham gia cách mạng từ năm 1941. Vì vậy, trong khu rừng Trần Hưng Đạo, vào ngày 22-12-1944, chàng thanh niên dân tộc Tày được vinh dự đứng trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vị chỉ huy Đội còn rất trẻ, được tất cả đồng đội gọi thân mật “Anh Văn”, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo tư liệu, trong hàng quân có 5 người dân tộc Kinh, 19 người dân tộc Tày, 8 người dân tộc Nùng, 1 người dân tộc H’mông và 1 người dân tộc Dao.

Ngay sau khi đơn vị được thành lập, những trận ra quân đầu tiên ở đồn Phai Khắt, Nà Ngần tạo tiếng vang cho đội quân non trẻ. Cụ Tô Đình Cắm còn được giao nhiệm vụ dịch ra tiếng Tày các bài trong báo “Tiếng súng reo” của kháng chiến lúc bấy giờ. Năm 1945, cụ được kết nạp Đảng và tham gia cướp chính quyền tại Bắc Cạn. Sau đó cụ có mặt trong đoàn quân Nam Tiến vào tháng 9-1945 hướng về tỉnh Rạch Giá. Trong một trận đánh tại Nam bộ, cụ bị thương ở chân và được đưa ra Quảng Nam rồi về lại Cao Bằng. Khi Pháp đổ quân tại miền Bắc vào tháng 9-1947 cụ tái nhập ngũ, chiến đấu cho đến năm 1950, một lần nữa bị thương nặng khi tham gia chiến dịch Thu Đông. Cụ xuất ngũ ở tuổi 28, kết hôn với bà Đồng Thị Hiến, người dân tộc Tày và có 7 con, trước khi chuyển về Đạ Tẻh, Lâm Đồng.

***

Rời khỏi quân ngũ sau khi bị thương nặng ở Đông Khê, người thương binh trẻ trở về với cuộc sống đời thường, với cái cuốc cái cày. Cụ tham gia tích cực các công tác địa phương như làm thôn trưởng, đội trưởng hợp tác xã. Năm 1992, bước vào tuổi 70, cụ đã đưa vợ con vào thị trấn Đạ Tẻh lập nghiệp. Sau những lần vào Nam ra Bắc, hai lần bị thương, xuất ngũ rồi lại tái ngũ… cụ mất hết giấy tờ, không thể xác minh quá trình tham gia cách mạng. May sao đến năm 2013, cụ được công nhận là thương binh sau 60 năm giải ngũ, được cất nhà tình nghĩa khang trang. Nhà cụ có tấm bảng lớn màu đỏ với những dòng chữ in rõ nét: Bộ Quốc phòng- Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh ủy- UBND tỉnh Lâm Đồng, Huyện ủy- UBND huyện Đạ Tẻh tặng nhà tình nghĩa, nhân dịp kỷ niệm 69 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2013). Tấm bảng gắn ngay lối vào khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Có lẽ gia đình người lính cũng cảm thấy ấm áp, vui sướng như vậy. Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, cụ rất đau buồn. Không được trực tiếp tiễn vị chỉ huy của mình, cụ đã lập bàn thờ Đại tướng tại nhà. Những ngày ấy, căn nhà tình nghĩa của cụ tấp nập người ra vào viếng Đại tướng. Nói chuyện với hậu bối, cụ hay lặp đi lặp lại “Làm lính anh Văn 70 năm rồi. Anh Văn đi rồi, những người khác cũng đi rồi. Nhưng ta vẫn là Bộ đội Cụ Hồ”.

Anh Tô Đức Tuân, con trai cụ kể, từ khi lập bàn thờ, mỗi ngày cụ đều tự tay lau chùi sạch sẽ di ảnh Bác Hồ và Đại tướng. Gần đây sức khỏe yếu, không lau được, cụ dặn con cháu phải lau thật kỹ, thật sạch. Nhiều lần nhìn những bức di ảnh, nước mắt cụ lại rơi. Trong lòng người lính của rừng Trần Hưng Đạo, quá khứ như vẫn còn đây, những đồng đội như vẫn quanh đây.

Chúng tôi có người hỏi: Giờ cụ mong muốn gì nhất? Cụ Cắm cười thật hiền, mắt nhấp nháy. Chỉ muốn thấy nụ cười của con cháu.

***

Sự giản dị hồn nhiên của người lính năm xưa ấy sao mà trong trẻo đến lạ lùng, khiến chúng ta muốn soi rọi lại chính mình. Hình ảnh căn nhà nhỏ với mấy bụi hoa trước cửa êm ả và thanh bình dưới những tia nắng sớm vẫn đọng lại trong tôi… 

Chia sẻ bài viết