05/01/2020 - 18:47

Người khuyết tật và những rào cản vô hình 

Vụ việc liên quan đến Jun Watanabe (ảnh, phải) gần đây cho thấy sự thiếu cảm thông đối với những người khuyết tật tại Nhật Bản.

Theo nhật báo Mainichi, chàng trai 21 tuổi mắc bệnh bại não đã qua đời hồi tháng 11 vừa rồi khi vẫn chưa hoàn thành giấc mơ vào một trường phổ thông trung học bình thường ở Chiba, phía Đông Thủ đô Tokyo. Trước khi nằm xuống, Watanabe đã nỗ lực 27 lần trong 7 năm để xin nhập học, nhưng đều bị bác bỏ mặc dù các trường vẫn còn chỗ cho những học sinh mới.

 Ảnh: Mainichi

Năm ngoái, Nhật Bản lần đầu tiên có hai nghị sĩ khuyết tật được bầu vào Thượng viện. Điều này dẫn đến việc cải tạo một số hạng mục ở khu văn phòng, bao gồm bỏ đi bậc thang cao khoảng 15cm ở cửa chính và lắp gờ dốc, để 2 vị có thể sử dụng xe lăn dễ dàng. Tuy vậy, trong khi Tokyo đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho những người ngồi xe lăn, như xây thêm nhiều dốc và gờ nối tại cửa xe điện ngầm, thì những nơi khác bị chê vẫn còn chậm chạp. Nghiên cứu của Tổ chức người khuyết tật quốc tế tại Nhật Bản chỉ ra rằng 27% những người tật nguyền bị các tài xế taxi thuộc dạng “universal design” (UD) từ chối vận chuyển. UD là một thuật ngữ chỉ những sản phẩm mang đặc điểm “toàn cầu”, tạo điều kiện dễ dàng cho mọi đối tượng sử dụng, không phân biệt tuổi tác, sức khỏe, quốc tịch, lành lặn hay tàn tật.

Theo nhận định của Katsunori Fujii, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Nhật Bản, vụ việc nói trên cho thấy dù cơ sở hạ tầng phù hợp được đưa vào phục vụ, thì những rào cản về mặt tâm lý thường rất khó vượt qua. Thật ra, kỳ thị người khuyết tật đã trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội Nhật Bản nói chung. Tháng 8-2018, nhiều bộ ngành ở nước này bị nghi cố tình thống kê sai về số nhân viên khuyết tật để đạt đủ chỉ tiêu. Số là từ năm 1976, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tuyển dụng 2,3% số nhân viên là người khuyết tật- động thái nhằm tạo công ăn việc làm và bài trừ tình trạng phân biệt đối xử với các đối tượng kém may mắn này. Tuy nhiên, một tờ báo địa phương phát hiện tỷ lệ người khuyết tật được tuyển dụng đạt 2,5% là sai, bởi thực tế nó chỉ bằng phân nửa con số đó.

Xứ sở hoa anh đào hiện có khoảng 9,6 triệu người khuyết tật về thể chất, tinh thần và trí tuệ, cộng với 6 triệu bệnh nhân mất trí nhớ. Một khảo sát cho thấy số vụ ngược đãi người tàn tật ở Nhật đã nhảy lên con số kỷ lục 2.745 vụ trong năm tài khóa 2018, tăng 127 vụ so với năm trước đó. Trong đó, số trường hợp xảy ra tại các trung tâm chăm sóc người khuyết tật là 592, tăng 128 vụ. Còn nhớ hồi năm 2016, một thanh niên đã sát hại 19 người khuyết tật ở phía Tây Nam Tokyo, mà động cơ là để “tẩy rửa” xã hội. 

Với 181 quốc gia tham gia, Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) là một trong những hiệp ước về nhân quyền được tán thành nhiều nhất. Cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng đã được nêu ra trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc vì sự phát triển bền vững nhằm hướng đến những nhóm đối tượng yếu thế.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những bước đi đầy tham vọng và thực tế mà 1 tỉ người khuyết tật trên thế giới- chiếm khoảng 15% dân số toàn cầu- đang phải đối mặt hàng ngày, trong số này khoảng 80% sống tại các nước đang phát triển. Xét trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ người khuyết tật có việc làm chỉ bằng phân nửa người mạnh khỏe. So với dân số lành lặn, người khuyết tật cũng đối mặt nhiều rào cản hơn trong việc tiếp cận chương trình chăm sóc y tế trong khi lại ít có cơ hội hoàn thành chương trình học vấn căn bản. 

HẠNH NGUYÊN (Theo Straits Times, UN News)       

Chia sẻ bài viết