11/08/2019 - 09:02

Người già Hàn Quốc với nỗi lo cô độc 

Với tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng như hiện nay, việc ngày càng có nhiều người cao tuổi phải sống một mình, thậm chí ra đi trong cô độc được dự đoán đặt ra thách thức lớn đối với nhiều nước châu Á trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia, việc con người sống thọ hơn cùng với xu hướng giới trẻ không muốn kết hôn cũng như ly hôn dễ dàng là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng có nhiều người sống đơn độc khi về già. Tại Hàn Quốc, nghiên cứu của cơ quan phúc lợi nước này cho biết hiện có hơn 740.000 người cao tuổi phải sống một mình và mỗi năm tăng thêm gần 50.000 trường hợp.

Kể từ năm 2017, Hàn Quốc chính thức bước vào giai đoạn xã hội già hóa khi nhóm đối tượng trên 65 tuổi chiếm hơn 14% dân số. Năm 2018, tỷ lệ sinh của nước này rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại với số trẻ chào đời chỉ có 357.771 trường hợp. Thực tế, Hàn Quốc “không đơn độc” trong “cuộc chiến” dân số già. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến ​​sẽ chiếm hơn 30% dân số vào năm 2060. Tại Hong Kong (Trung Quốc), tình hình được dự đoán nghiêm trọng hơn khi nhóm đối tượng trên 65 tuổi sẽ đạt 2,58 triệu người vào năm 2064, chiếm khoảng 36% dân số.

Tuy vậy, vấn đề là tình trạng già hóa dân số ở Hàn Quốc đang nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong OECD. Tỷ lệ người nghèo ở độ tuổi 66 - 75 của nước này cũng cao nhất so với các thành viên còn lại khi lên tới 39% hồi năm 2015 , so với 17% ở Nhật Bản. Trong khi đó, Hàn Quốc xếp thứ 34 trong số 35 quốc gia OECD về chi tiêu phúc lợi xã hội. Cụ thể, nguồn ngân sách trên ở nước này chỉ chiếm 10,4% GDP trong khi mức trung bình của các quốc gia OECD là 21%.

Cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đến thăm một cơ sở chăm sóc người lớn tuổi ở Eumseong, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Ngoài trách nhiệm của chính phủ, Giáo sư nghiên cứu phúc lợi xã hội Lee Ho-sun tại Đại học Kỹ thuật ​​Soongshil cho rằng các gia đình Hàn Quốc nên từ bỏ quan niệm là cha mẹ phải trao mọi thứ cho con cái khi về già. Theo lời kể của cụ ông Choi Jin-gu, 82 tuổi, ông đã bán phần lớn tài sản khi các con ra riêng và kết hôn. Sống một mình kể từ khi vợ mất cách đây 30 năm, cụ Choi tâm sự rằng ông thậm chí không biết con mình đang sống ở đâu bởi họ không còn liên lạc với nhau. “Tôi không trách các con khi chúng không đến thăm. Bây giờ tôi không có tiền trong khi chúng quá bận rộn lo toan cho các cháu” - ông Choi buồn bã chia sẻ.

Ko Myung-hee, nhân viên một trung tâm cộng đồng tại tỉnh Gyeonggi, cho biết hầu hết những người già sống đơn chiếc đều mong được gặp mặt con cháu hoặc chỉ đơn giản là một cuộc điện thoại từ người thân. Với lối sống đơn độc, Trung tâm phòng chống tự tử Hàn Quốc ước tính tỷ lệ tự tử trên 100.000 người là 48,8 ở nhóm 70 tuổi và con số này tăng lên 70 đối với nhóm từ 80 tuổi; trong khi tỷ lệ đó ở độ tuổi 15-65 là 21,3. Cùng vấn nạn tự tử, tình trạng bị cô lập xã hội còn khiến nhiều người cao tuổi sợ hãi khi nghĩ về những cái chết cô đơn, đó là khi chết không một ai hay biết và thi thể của họ chỉ được phát hiện một thời gian dài sau đó. Năm 2018, một cụ già 74 tuổi ở thành phố Gwangju đã được tìm thấy chết trên sàn phòng khách. Khám nghiệm cho thấy cụ đã chết vài tuần trước đó.

Trước những thách thức trên, Giáo sư Lee cho rằng người lớn tuổi nên duy trì đầu tư và khả năng tài chính ngay cả khi về già. Trong các giải pháp để Hàn Quốc bắt kịp với phần còn lại của thế giới khi đương đầu vấn nạn dân số già, Giáo sư Lee đề nghị thay vì tập trung xây viện dưỡng lão và các trung tâm cộng đồng cao cấp, cơ quan chức năng nên có phương pháp giúp người cao tuổi hòa nhập và tương tác tốt với cộng đồng, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời giảm nguy cơ người già chết cô đơn.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết