Theo năm tháng, do cơ thể già yếu người cao tuổi (NCT) dễ mắc nhiều bệnh tật. Làm gì để ông bà, cha mẹ đủ sức vượt qua bệnh tật, vực dậy tinh thần, để có tuổi xế chiều an vui? Thạc sĩ, bác sĩ Lê Tân Tố Anh, Khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chia sẻ về một số bệnh NCT thường mắc và tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể an tâm sống vui, sống khỏe bên con cháu.
Tuổi già suy yếu, bệnh tật
Hiện nay tỷ lệ NCT trên thế giới ngày càng tăng và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Theo Liên Hiệp Quốc, từ 60 tuổi trở lên được xem là NCT, còn tại các nước phương Tây, từ 65 tuổi trở lên được xếp vào nhóm NCT. Tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu dần và nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch, các loại bệnh cũng phát sinh. Sự suy giảm chức năng mỗi người thường không giống nhau, nhưng có một điểm chung ở NCT là tuổi càng cao thì càng dễ mắc bệnh và bệnh mạn tính thường tái phát, ảnh hưởng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Người cao tuổi cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh.
NCT thường mắc các bệnh lý về tim mạch (tăng huyết áp, mạch vành, suy tim) và về hệ hô hấp, hay xảy ra vào mùa lạnh, thay đổi thời tiết. Đặc biệt, về đường tiêu hóa, thường gặp nhất là táo bón, do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng lý do chính là NCT ít vận động, ít ăn rau, chất xơ, uống ít nước. NCT có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính. Các loại bệnh này thường làm cho NCT rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh tật phát sinh. Ngoài ra, các bệnh về hệ cơ xương khớp; hệ tiết niệu - sinh dục; rối loạn mỡ máu, chức năng gan, suy giảm chức năng thận, đái tháo đường
cũng hay gặp ở NCT. Các bệnh lý về thần kinh do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa như: Parkinson hoặc Alzheimer làm cho trí nhớ NCT kém, hay quên, rối loạn vận động
Ăn hợp lý để sống khỏe, sống vui
Một trong số các biện pháp giúp NCT phòng ngừa và giảm tỷ lệ mắc các bệnh lý nói trên, đó là chế độ dinh dưỡng hợp lý.
NCT ít hoạt động so với thời trẻ. Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm 20%; người trên 70 tuổi giảm 30%, so với người 25 tuổi. Khi về già cơ quan tiêu hóa sẽ yếu đi, quá trình tiêu hóa chậm hơn, tiêu hóa kém hơn, nhất về đêm. Vì thế, NCT cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, chứa nhiều dinh dưỡng đủ chất đạm, giảm ăn thịt, tăng cường ăn cá. NCT nên ăn nhiều bữa với thức ăn dễ tiêu; buổi tối nên ăn trước 19 giờ, ăn ít hơn bữa ăn ban ngày, để có thể tiêu hóa tốt hơn, đồng thời các cụ ăn lót dạ trước khi ngủ khoảng 1 giờ bằng ly sữa ấm, để có thể ngủ ngon và sâu giấc hơn. NCT nên có chế độ ăn giảm đường, muối và chất béo (do những thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo dễ làm mắc các bệnh như: máu nhiễm mỡ, tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường
Vì thế, NCT cần có chế độ ăn uống phù hợp, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi, uống sinh tố trái cây, bởi các chất xơ trong rau quả giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các vitamin và chất khoáng, giúp NCT tăng cường sức đề kháng. Cần lưu ý tình hình răng miệng và sức nhai, nuốt của NCT hoạt động kém, gặp khó khăn khi nhai, nuốt thức ăn để chế biến thức ăn phù hợp.
NCT thường ít có cảm giác khát nước, sợ đi tiểu, nhưng không vì thế mà hạn chế uống nước. NCT cần uống nước đầy đủ, khoảng 2 lít nước/ngày để giúp thận hoạt động tốt, bài tiết chắt lọc các chất cặn bã tốt hơn; đồng thời giảm nguy cơ táo bón. Đồng thời cần uống từ 1 2 ly sữa mỗi ngày, chọn loại chứa MUFA, PUFA, Choline, Canxi, FO để tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch, phòng tránh loãng xương ở người già
Ngoài ra, nên ăn thêm sữa chua vì chứa nhiều vi khuẩn lên men giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh táo bón. NCT bình thường có thể dùng chút ít cà phê, trà để giải khát, giúp tinh thần thêm tỉnh táo, phấn chấn và lợi tiểu tiện, nhưng không nên dùng nhiều vào buổi tối vì gây khó ngủ; người dễ bị kích động, hay hồi hộp, mất ngủ không nên dùng. NCT cũng có thể dùng chút ít rượu nhẹ để kích thích tâm thần nhưng không nên uống luôn và uống nhiều một lúc; người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp thì không nên dùng.
Tóm lại, NCT cần tự biết cách giữ gìn chế độ ăn uống điều độ, kết hợp với hoạt động đi bộ đều đặn hằng ngày; hoạt động của bộ óc, trái tim nhân hậu, tấm lòng cởi mở cũng như quan hệ tốt với mọi người. Tất cả để giúp NCT luôn thanh thản, thoải mái, ăn ngon, ngủ sâu, tiêu hóa hấp thu tốt. Điều quan trọng không kém là NCT nên tập thể dục đều đặn như: hít thở trước và sau khi ngủ dậy; vận động tay chân; xoa, bóp các cơ bắp. NCT có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn, hoặc gần công viên, câu lạc bộ, vừa tập vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự và học tập kinh nghiệm giữ gìn, bảo vệ sức khỏe. NCT nên đi khám bệnh định kỳ để tầm soát bệnh và nhận lời khuyên, tư vấn hữu ích từ thầy thuốc.
THU SƯƠNG (lược ghi)