12/06/2009 - 22:06

Ngư ông đắc lợi!

Việc Điện Kremlin chọn thành phố biên giới Khabarovsk thuộc vùng Viễn Đông xa xôi (nằm cách Brussels 9 múi giờ) để tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5 vừa qua là một thông điệp nhằm cảnh báo EU rằng quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trên lĩnh vực khí đốt, ngày càng lạnh nhạt. Trong khi đó, do Khabarovsk chỉ cách biên giới Trung Quốc chừng 30 km nên hẳn Nga có ý nhắc nhở châu Âu về quốc gia châu Á đông dân nhất thế giới có thể trở thành bạn hàng khí đốt tiềm năng mới của Nga. Nhật báo RBC xuất bản tại Mát-xcơ-va vì vậy mà cho rằng Nga coi Trung Quốc như một “quân bài” để mặc cả với EU.

Tuy nhiên, dường như các nhà lãnh đạo EU vẫn không quan tâm đến thông điệp của Mát-xcơ-va và tiếp tục theo đuổi mục tiêu tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt mới đi từ biển Caspie đến Trung Á qua châu Âu mà không quá cảnh Nga. Con đường khí đốt này được EU coi là “hành lang phía Nam”. Vì thế, Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin mới đây tuyên bố Nga có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Trên thực tế, Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “đổi tín dụng lấy dầu” trị giá 25 tỉ USD hồi tháng 4, theo đó Trung Quốc cho các công ty dầu khí quốc gia Nga là Transneft vay 10 tỉ USD và Rosneft 15 tỉ USD, để đổi lại 15 triệu tấn dầu/năm trong vòng 20 năm tới. Số lượng dầu trên tương đương khoảng 4% mức nhiên liệu tiêu thụ của Trung Quốc. Từ ngày 19-5, Trung Quốc bắt đầu xây dựng phần đường ống dẫn dầu dài 965 km tại tỉnh Hắc Long Giang để chuẩn bị kết nối phần đường ống dài 64 km mà Nga đã khởi công từ ngày 27-4.

Bên cạnh được hưởng lợi từ ván cờ năng lượng giữa Nga và EU, Trung Quốc cũng vừa đề nghị cho Turkmenistan vay 3 tỉ USD để khai thác mỏ khí đốt khổng lồ Nam Yolotan-Osman. Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov cho biết trữ lượng khí đốt chỉ tính riêng phần Nam Yolotan thôi cũng có thể sản xuất 50 tỉ mét khối/năm và đủ cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào trong vòng 100 năm. Vào cuối năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành đường ống dài 7.000 km đi từ Turkmenistan với khả năng cung cấp 52 tỉ mét khối/năm. Cần biết là nguồn khí đốt của quốc gia Trung Á này từ lâu là mục tiêu quan trọng của Nga và EU, nhưng giữa lúc nhu cầu khí đốt thế giới suy giảm vì khủng hoảng kinh tế thì Trung Quốc đã đi trước một bước. Không những chiếm ưu thế trong “cuộc chơi lớn” tại Trung Á, Bắc Kinh còn thành công ở khu vực Biển Caspie giàu dầu mỏ nhờ chính sách “ngoại giao bí mật, có định hướng và có chủ đích”. Chính sách này vừa giúp Trung Quốc giành được hợp đồng trị giá 4,7 tỉ USD phát triển một mỏ khí đốt của Iran có trữ lượng ước tính lên tới 14.000 tỉ mét khối, đủ cung ứng nhu cầu của cả châu Âu trong vòng 1/4 thế kỷ.

Ván cờ khí đốt giữa Nga và EU chưa kết thúc và không biết ai thắng-ai thua, nhưng Trung Quốc thì rõ ràng đang là “ngư ông đắc lợi”.

PHÚC NGUYÊN (Theo Atimes, BBC)

PHÚC NGUYÊN (Theo Atimes, BBC)

Chia sẻ bài viết