Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiệp “chạm ngõ” điện ảnh từ những năm 1990, sau khi tốt nghiệp khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, cùng với Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh. Trong lúc không ít bạn học trở thành sao sáng của dòng phim giải trí, thì Ngọc Hiệp được tặng biệt danh “nữ diễn viên cá tính” bởi cô luôn gắn bó với dòng phim nghệ thuật.
Bẵng đi một thời gian dài, khán giả bất ngờ gặp lại Ngọc Hiệp với vai diễn “Cô gái xấu xí” Huyền Diệu bộ phim truyền hình Việt Nam đang được khán giả mong chờ ba ngày trong tuần trên VTV3
15 năm theo nghiệp diễn, Ngọc Hiệp đóng phim không nhiều, nhưng hầu hết các vai diễn của cô đều để cho người xem ấn tượng sâu đậm.
Bảy Quyên trong “Giữa dòng” là vai diễn tâm đắc nhất của Ngọc Hiệp giúp cô đoạt giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10. Khán giả rất ấn tượng: Trên một chiếc thuyền giữa sông, Quyên phải sống hai cuộc đời: công khai với thiên hạ là một người đàn bà góa luôn phải đối phó với viên Trung úy ngụy vốn say mê cô từ thời trẻ; phía sau đó là một nữ giao liên cách mạng và người vợ dành hết tình cảm cho người chồng đang hoạt động bí mật. Quyên mang thai trong khi gia đình và làng xóm đều không biết cô vẫn được bí mật gặp chồng, nên cho rằng tên Trung úy là cha của đứa bé. Tất cả những trạng thái tình cảm phức tạp nhiều mặt của Quyên đã được Ngọc Hiệp lột tả tinh tế, sâu lắng và cảm động. Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất trong phim là Quyên đau đớn tự cắt những lọn tóc cô thường chăm chút để xóa đi mọi nghi kỵ của gia đình về quan hệ của cô với viên trung úy.
|
Ngọc Hiệp ngoài đời và trong phim “Cô gái xấu xí”. Ảnh: htv.com.vn |
Một vai diễn khác góp phần đưa Ngọc Hiệp lên đỉnh cao sự nghiệp là “Dấu ấn của quỷ”. Nhân vật của Ngọc Hiệp trong phim không có tên, cũng không có thoại. “Cô gái quỷ” bị bỏ rơi tại một hòn đảo hoang chỉ vì trên mình có vết bớt lớn. Cô gái khát khao cuộc sống con người chỉ biết hú lên những tiếng vô vọng. Khi cô gái tìm được sự sẻ chia của hai con người bất hạnh khác là lão cùi và tên tù, diễn xuất tinh tế của Ngọc Hiệp cho khán giả cảm nhận: tâm hồn mỗi con người luôn trong trẻo, tốt đẹp. Còn trong “Ba mùa” Ngọc Hiệp vào vai một cô gái mồ côi, trong sáng, hồn nhiên, yêu thích công việc trồng và hái hoa sen trên một đầm sen bát ngát. Trong “Vũ khúc con cò”, Ngọc Hiệp lại đảm nhiệm một vai có hoàn cảnh éo le: cô con gái viên đại tá Ngụy nhưng lại lấy chồng là một chiến sĩ hoạt động bí mật. Cô chỉ biết sự thật khi chứng kiến chồng chiến đấu...
Mỗi vai diễn của Ngọc Hiệp đều được cô nghiên cứu kỹ đào sâu thế giới nội tâm, để chuyển tải đến khán giả tâm trạng của nhân vật. Lối làm việc nghiêm túc, cần mẫn, say mê và đầy trách nhiệm với nghề, với nhân vật của Ngọc Hiệp giúp cô luôn là lựa chọn của các đạo diễn dòng phim nghệ thuật được sản xuất những năm 1990: Lan trong “Vùng trời mơ ước”, Kiều Trang trong “Chuyện tình của biển”, Cầm trong “Lạc cầm”, Hạnh trong “Người bất hạnh”, Duyên trong “Tiếng đờn kìm”, Út Hơn trong “Những nẻo đường phù sa”... Trong những năm điện ảnh Việt Nam rơi vào thoái trào, Ngọc Hiệp chuyển sang học đạo diễn, với mong ước sẽ làm nên những bộ phim vừa giàu tính nghệ thuật, vừa thu hút khán giả. Cô vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm qua việc làm trợ lý và phó đạo diễn cho các bộ phim truyền hình như “Blouse trắng”, “Hàn Mặc Tử”, “39 độ yêu”... và được Hãng phim truyền hình tư nhân BHD mời về đảm nhận vị trí Phó Giám đốc. Một lần nữa tình yêu với nghiệp diễn trong lòng Ngọc Hiệp trỗi dậy khi hãng phim BHD sản xuất “Cô gái xấu xí” mà không tuyển được diễn viên đảm nhận vai chính Huyền Diệu niềng răng, mắt cận, lưng tôm, dáng đi tất tả, nhưng vẫn tự tin, đáng yêu.
“Cô gái xấu xí” là một bộ phim có bối cảnh hiện đại, không thể có chuyện phép mầu sẽ xảy ra để biến Huyền Diệu xấu xí thành “nàng công chúa xinh đẹp” cho xứng với nhân vật nam chính đẹp trai, hào hoa, tài giỏi và lịch lãm là Tổng Giám đốc An Đông. Huyền Diệu chỉ có thể chinh phục, thuyết phục khán giả bằng vẻ đẹp tâm hồn. Ngọc Hiệp đã thể hiện thành công thế giới nội tâm khá sâu sắc và đa chiều của Huyền Diệu: một cô gái biết rất rõ nhan sắc của mình và có những lúc buồn tủi; nhưng vẫn lạc quan, tự tin vì cô được học rộng, hiểu nhiều và được sống trong tình thương yêu của gia đình, bè bạn. Nhân vật Huyền Diệu được thể hiện thuyết phục đến nỗi khi “cô gái xấu xí” viết nhật ký, nói lên những khát khao thầm kín của mình: “Tại sao không một người con trai nào cho tôi cơ hội để yêu thương họ, để biết rằng tôi rất dịu dàng, rất nồng thắm và sẽ cho họ hạnh phúc trọn vẹn”... thì khán giả cũng bị cuốn theo dòng cảm xúc u buồn của cô, chứ không cảm thấy có gì “trái khoáy” hay buồn cười.
Đã nhiều năm rồi, khán giả mới gặp lại Ngọc Hiệp trên màn ảnh, để rồi thấy đạo diễn Việt Linh đánh giá hoàn toàn chính xác: “Ngọc Hiệp là nữ diễn viên mà đạo diễn có thể tha hồ khai thác độ nông sâu khác nhau”.
Xuân Viên