Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina mới đây cho biết, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã trở thành ngoại tệ “chính” cho hoạt động kinh tế ở nước ngoài của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây bóp nghẹt nền kinh tế nước này và đẩy Mát-xcơ-va đến gần Bắc Kinh hơn.
.webp)
Khách tham dự hội nghị hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - Nga tại thành phố Thẩm Dương hôm 29-1. Ảnh: China Daily
“Cho đến năm 2022, đồng USD và đồng euro chiếm tỷ trọng đáng kể trong dự trữ ngoại hối của chúng tôi, bởi các hợp đồng ngoại thương phần lớn được giao dịch bằng đồng USD và đồng euro. Song, chúng tôi hiện đang tích cực sử dụng các loại tiền tệ khác, chủ yếu là đồng NDT, trong hoạt động kinh tế ở nước ngoài” - bà Nabiullina nói trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn RIA Novosti hôm 29-1. Theo bà Nabiullina, tỷ trọng của đồng NDT trong xuất khẩu của Nga đã tăng từ mức chỉ 0,4% cách đây 2 năm lên mức 34,5% và tỷ trọng của loại tiền tệ này trong nhập khẩu tăng từ 4,3% lên 36,4% trong cùng thời kỳ.
Bà Nabiullina cho hay, với tư cách là Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Nga sẽ thúc đẩy sự hợp tác sử dụng đồng NDT và các loại tiền tệ khác, cũng như kết nối các hệ thống thanh toán. “Chúng tôi sẽ đưa ra một nghị trình bận rộn” - bà Nabiullina tuyên bố khi được hỏi về các ưu tiên cũng như mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong BRICS trong năm nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong một tuyên bố cho hay Bắc Kinh sẽ ủng hộ những nỗ lực trên của Mát-xcơ-va và “sẵn sàng giữ vai trò” trong kế hoạch của Nga. “Các nước đang phát triển đang tối ưu hóa các phương thức thanh toán để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư giữa họ và góp phần ổn định tài chính toàn cầu” - ông Uông nói thêm.
Trước đó, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov hồi tháng 11 năm ngoái tiết lộ, thanh toán bằng đồng rúp và NDT trong thương mại song phương đạt tới 95%.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, Mỹ, Ủy ban châu Âu (EU), Pháp, Ðức, Ý, Anh và Canada hồi tháng 2-2022 đã loại Nga ra khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Kể từ đó, Mát-xcơ-va ngày càng phụ thuộc vào đồng NDT.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh nỗ lực tăng cường sức hấp dẫn toàn cầu của đồng NDT, biến loại tiền tệ này trở thành giải pháp thay thế cho đồng USD trong thanh toán quốc tế và làm tiền tệ dự trữ. Song, giới phân tích cho rằng Trung Quốc trên thực tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong các thỏa thuận đa phương ngay cả khi BRICS đã kết nạp thêm 5 thành viên, gồm Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). “Các nước BRICS đã chấp nhận đồng NDT nhiều hơn nhưng chỉ những quốc gia có nhu cầu nhập khẩu hàng nhiều từ Trung Quốc mới thực hiện nhiều giao dịch bằng đồng NDT. Nếu không, họ không biết sẽ làm gì với lượng NDT khổng lồ. Nga là một ngoại lệ” - Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Ðại học Baptist Hong Kong, cho biết. Song, việc BRICS có thêm thành viên sẽ mang đến cho Bắc Kinh nhiều cơ hội mới trong việc sử dụng NDT, biến nó thành hàng rào chống lại việc Mỹ sử dụng đồng USD làm vũ khí.
Thật ra, Nga không phải là nền kinh tế lớn duy nhất sử dụng đồng NDT để thanh toán thương mại. Vào tháng 4-2023, Argentina đã thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng NDT, với tổng trị giá khoảng 1,04 tỉ USD. Argentina cũng đã sử dụng đồng NDT để trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cũng vào tháng 4-2023, Trung Quốc và Brazil đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, loại bỏ hoàn toàn đồng USD trong thanh toán. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã chỉ trích vai trò thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu: “Tại sao mọi quốc gia lại phải gắn liền với đồng USD trong thương mại?... Ai quyết định đồng USD sẽ là tiền tệ của thế giới?”.
Với lợi thế là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng NDT trong hợp tác kinh tế quốc tế. Đến nay, Trung Quốc đã ký kết 40 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các nước, trong đó 29 thỏa thuận còn hiệu lực. Số liệu do SWIFT công bố hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy, tỷ trọng của NDT trong thanh toán toàn cầu đã tăng lên mức 4,6% trong tháng 11-2023. Đây là lần đầu tiên NDT vượt qua yen của Nhật Bản kể từ tháng 1-2022 để trở thành đồng tiền được dùng để thanh toán nhiều thứ tư thế giới, sau các đồng USD, euro và bảng Anh. Đồng USD dẫn đầu với 47,08% tỷ trọng giao dịch, euro 22,95% và bảng Anh 7,15%.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)