07/10/2018 - 10:12

Ngoại miệt vườn 

Truyện ngắn Lương Minh Hinh

Ngoại đi thăm con cháu. Bà khăn rằn áo bà ba tay xách nách mang những giỏ trái chín thơm nức; những gói bồn bồn, bông súng, củ co tươi; cua ốc sống nguây nguẩy ra chợ thăm cháu Văn Nhân, Thị Nhân. Bà xuống đò, lên xe vốn quen biết do suốt bao năm nay mỗi tháng một lần lên xuống. Lái đò vừa ôm đồ của ngoại từ tàu lên giao cho lái xe khách, vừa nói các cháu Văn Nhân, Thị Nhân của bà mà về vườn ở, sau này đi năm châu bốn biển chắc tiện hơn bây giờ. Lái xe rước ngoại lên ngồi ghế hàng đầu, nói Thị Nhân, Văn Nhân mà về vườn sau này lớn lên sẽ làm giám đốc đưa khách du lịch tới quê ngoại... Bà cười đáp các tay lái cứ tính toán, sao không tính thôi để bà thăm viếng phố chợ, cho tàu ghe đưa rước bà lui tới dài dài...

***

Cái chuyện ngoại đi lại thăm các cháu dài dài này, đầu dây mối nhợ do con gái bà là cô Kim Cúc. Mười tám tuổi Kim Cúc chạy nhà ghe ra ở chợ, mối mai bán buôn và vay mượn lãi lời kiếm bộn bạc. Kim Cúc miệt mài bám chợ, mỗi năm vài lần về vườn thăm mẹ. Mỗi lần về mỗi đem radio, ti vi, đèn điện, quạt điện, bếp điện… Rồi con lo hiện đại nhà vườn của mẹ với những máy hút sình mương liếp, máy xới vun gốc cây, máy tưới cây, máy tỉa cành tạo tán lá, máy hái trái cho mẹ mướn thợ lo vườn tược. Vườn bà thành ra nhất ấp.

Thứ đáng kể nhất là con gái sắm cho mẹ cái điện thoại di động, nhưng mẹ con không a lô qua lại thăm hỏi, tâm tình; chỉ nhắn tin vụ mần ăn vườn tược.

Máy reo. Tin nhắn. Mẹ đưa trái ra chợ bến tỉnh.  

Máy reo. Tin nhắn. Có chuyên gia cây giống tới thay liếp cây xưa cũ. Có chuyên gia tới tháp ghép tán trái mới.

Máy reo. Mẹ kêu bà con xóm ấp cùng đi mua khuôn bao trái Phước - Lộc - Thọ, thỏi vàng... về làm trái cây Tết.

Nhờ vậy mà cô Cúc đem hàng của cả họ hàng, lối xóm đi bán khắp nước Việt, qua cả nước ngoài. Người người khen mẹ nào con nấy, con gái ra chợ tài ơi là tài. Những lúc đó bà ngậm lời. Máy móc mới, cây mới giống mới, đến dáng trái cũng mới mà người thì… Mỗi lần con về là mỗi dịp mẹ hối chuyện chồng con. Mỗi lần hối mỗi lần con hứa hẹn: Lần sau đưa về! Cứ lần sau, lần sau mà cô Cúc hết tuổi hàng hai, rồi qua tuổi hàng ba, sang hàng bốn, vẫn cứ bằn bặt cái cuộc đưa về mong đợi. Ồ có tin nhắn lạ nè. Cái tin dài thòng, lời ca tếu táo:  “Mẹ không bước “gái thập tam” / Con bốn mươi đang sắc xoan phố phường / Tùng rinh cái cuộc yêu thương / Mẹ thành bà ngoại miệt vườn mẹ ơi!”. 

Nhắn nhủ mông lung! Nó chê mẹ sống trễ không “Nữ thập tam nam thập lục”(*). Cha mày có rước tao khi tao mười ba tuổi đâu? Tao đôi chín (**) mới lên ghe hoa. Trời đất! Con gái xuân tứ tuần còn tùng với rinh, gái già lẩm cẩm!

Tin nhắn hôm trước hôm sau con về kéo còi ghe inh ỏi bến, rồi đưa bạn lên nhà. Hai đứa kề vai cúi đầu:

- Dạ! Con Tự chào mẹ!

- Dạ mẹ! Con đưa về đây! Anh là thầy giáo dạy trung học phổ thông ở chợ!  

Kim Cúc gặp chàng sinh viên mồ côi ngày mới ra chợ. Cô kiếm mấy đứa học trò con các đại gia để anh kèm thêm và cho anh… ở trọ nhà ghe. Khi Tự tốt nghiệp đại học sư phạm hai đứa chung sức lo cho Tự được đứng lớp ở phố chợ.

Kim Cúc cởi áo khoác ngoài. Bà nhìn cần cổ Kim Cúc ngẳng lên giựt giựt. Bà đặt tay lên cái bụng chề bề của Cúc. Kim Cúc xoa xoa vỗ vỗ bụng mình: Các con ra tum vườn nhìn chỗ ra đời của mẹ Kim Cúc rồi nhà mình rước ngoại ra phố chợ.   

***

Cuộc vượt cạn sinh đôi của Kim Cúc các bác sĩ phải lo mổ. Bà và Tự ở ngoài nghe được tiếng trẻ chào đời, được báo tin mừng cặp song sinh một trai một gái. Bà lập tức lo cử hành lễ cúng Mụ thiêng liêng. Bác sĩ cho mẹ con Kim Cúc xuất viện về nhà.

Bà ngoại làm chủ lễ. Mâm cúng Mụ đặt ngoài trời ở trước sân nhà; nhang đăng tiền bạc bánh trái dâng Mụ chu tất, và còn có bịch bỉm áo khăn sơ sinh trình Mụ thỉnh Mụ đồ dùng cho bé thơ.  

Trong nhà cơm cúng dâng gia tiên, nhang đăng thỉnh tiền hiền về nhận con cháu mới chào đời. Ngoại lo cái thau đồng cổ sóng sánh nước thơm ấm nóng tắm cho các cháu. Mẹ Kim Cúc lời vui dào dạt. Các cháu Thị Nhân, Văn Nhân lớn lên cùng lời ru của bà ngoại miệt vườn.

Cũng tới ngày bà về lại miệt vườn. Bỏ không sao đặng. Còn kẻ bỏ quê bám chợ Kim Cúc ém Văn Nhân, Thị Nhân ở nhà phố lộng lẫy, cho chúng bám trường mẫu giáo, rồi trường tiểu học… Hai con Cúc mới chỉ được về quê ngoại một lần khi còn nằm bầu. Vậy nên, ngoại chỉ còn nước lội ra chợ với các cháu. Các cháu thì ngóng ngoại đón ngoại miệt vườn hơn trông mẹ đi chợ về. Ngoại có trái cây ngon ngọt. Bà cháu làm món ăn, tẽ nhánh chùm bông điên điển vàng tươi, tước cọng bông súng súng nõn nà trắng tinh. Con ốc có ngôi nhà vỏ xoáy bóng trong nước mát. Con cua múa ngoe giương càng thiệt oai. Bụng cua đầy gạch óng ánh vàng. Bữa cơm đầy mâm thức ăn, các cháu miệng mỏ nghênh nghênh ngon ơi là ngon. Có bà miếng ăn miệng nở bông hoa. 

Có bà được ăn ngon còn được chơi vui hết sức. Bà đầy bụng cổ tích. Chẳng cần tranh ảnh sách vở, mà còn tắt phụt điện đèn bà nằm giữa hai cháu, cất lời “Ngày xửa ngày xưa” tới đâu các cháu nhớ vanh vách tới đó. Bà thuộc bao nhiêu là thơ Lục Vân Tiên.

Sau một đêm chơi với cháu, nằm xuống sống lưng bà kêu răng rắc. Bà khụy xuống. Lưng bà đau ê ẩm suốt đêm trường. Sớm hôm sau bà chào con gái và cháu ngoại, hai tay bợ lưng lần hồi lò mò đò xe về nhà. Bà dùng cây lá vườn, thứ cắt đoạn, thứ bằm giã để tươi, đốt nóng xoa xoa, đắp đắp, đau nhức giảm dần. Bởi vậy mà một hai tháng nay bà rạp lưng quanh quẩn bếp núc, không ra chợ với các cháu. Nhớ cháu quá, bà ra đồng bắt cua ốc hái rau lo quà thăm cháu. Ba thứ đồ đó trước bà ra tay một chút xong liền, mà nay lọ mọ nửa ngày. Nắng dọi lưng làm rạp mặt xuống đất hơn. Kiểu này ngồi tàu đò sao đặng. Rồi bà nghĩ không đưa đồ tươi ra chợ thì làm khô làm mắm để gửi. Ngoại vừa lụi hụi khô mắm vừa nhớ cháu. Cái điện thoại ọ ẹ. Tin? Không phải! Là hai đứa cháu gọi. Cái máy như nổ tung lời hai đứa trẻ tranh nhau gọi ngoại. Rồi cũng thành các cuộc thăm hỏi. Rồi tới hồi các cháu chỉ bà cách gọi cách nghe điện thoại. Rồi cách cài để điện thoại reo thành tiếng hát. Thế là ngày nào bà cũng nghe ca hát om xòm. “Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi… / Dung dăng dung dẻ / Cho cháu về quê…”

Rồi tiếng đồng ca không vang từ máy điện thoại mà lần cầu thang bến nước lên cửa nhà ngoại. Hai đứa cháu ngoác miệng ca: “Dung dăng dung dẻ”. Đằng sau chúng là Kim Cúc con gái bà và Tự con rể bà. 

 

(*) Quan niệm xưa: “Nữ mười ba, nam mười sáu” tức tuổi trưởng thành.

(**) Đôi chín: mười tám tuổi. 

Chia sẻ bài viết