|
Tàu khu trục có trang bị tên lửa của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua |
Tờ Csmonitor của Mỹ số ra ngày 30-7 viết: “Trung Quốc đang muốn phát triển tàu chiến để đe dọa các nước khác, không chỉ nhằm nuốt trọn Biển Đông mà còn thống trị cả châu Á-Thái Bình Dương lẫn các vùng biển quốc tế khác”.
“Lấy thịt đè người”
Theo tờ Csmonitor, thực dân Anh từng sử dụng chính sách “ngoại giao tàu chiến” trong thế kỷ 19 để duy trì quyền thống trị của mình. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã triển khai một tàu sân bay đến tập trận chung với quân đội Hàn Quốc nhằm gởi thông điệp cảnh báo đến CHDCND Triều Tiên. Mỹ thường cử các hạm đội tàu sân bay đi vòng quanh thế giới để duy trì an ninh trên các tuyến hàng hải quốc tế hay nhằm mục đích tham gia các cuộc chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng của một cường quốc hải quân hùng mạnh nhất thế giới như Mỹ, ông Leon Panetta đã phát biểu trước quốc hội nước này hồi tháng 5 vừa qua rằng: “Nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao tàu chiến ở bất cứ nơi nào trên thế giới để khẳng định sức mạnh của mình thì kết quả dẫn đến là các cuộc xung đột”. Ông cho rằng cách tốt nhất để chứng tỏ sức mạnh là phải thể hiện nó một cách rõ ràng, sau đó phải ngồi vào bàn đàm phán và đối thoại với các nước theo khuôn khổ luật pháp cơ bản. Ông đã cố gắng thuyết phục Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước luật biển quốc tế, một trong những công cụ ngoại giao có thể giúp hạn chế sử dụng các mối đe dọa sức mạnh hải quân bằng tàu chiến.
Mao Trạch Đông từng nói “sức mạnh đến từ nòng súng” và ngày nay, các nhà lãnh đạo thế hệ mới vẫn kiên định chiến lược này của ông Mao. Trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã đưa nhiều tàu chiến đến uy hiếp, đe dọa các nước Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trong vấn đề tranh chấp hải đảo và nguồn tài nguyên dưới biển. Philippines cho hay Trung Quốc còn triển khai tàu khu trục được trang bị tên lửa đến vùng lãnh hải chiếm đóng của nước này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu hải quân và máy bay tuần tra của họ đang trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và lợi ích biển”. Tàu tuần tra 3.000 tấn của Trung Quốc còn hộ tống 30 chiếc tàu đánh cá khổng lồ chưa từng thấy đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam như là hành động xúi giục ngư dân đánh cắp hải sản trên vùng biển đang tranh chấp. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc từng dọa dẫm kiểu “lấy thịt đè người” rằng các nước tranh chấp Biển Đông mà không thay đổi cách ứng xử với Bắc Kinh “cần phải chuẩn bị đủ vũ khí cho chiến tranh”. Ông Hà Kiến Tân, người đứng đầu hợp tác xã đánh cá Baosha của nhà nước tại tỉnh Hải Nam, còn thúc giục Chính phủ Trung Quốc trang bị vũ khí cho ngư dân để họ làm “quân xung kích” tranh giành chủ quyền trên biển. Ông ta cho rằng nếu 5.000 tàu đánh cá của Trung Quốc trên Biển Đông được trang bị vũ khí thì nước này có một đội quân 100.000 người, lớn hơn tất cả các lực lượng của các nước đang tranh chấp gộp lại.
Tham vọng điên rồ
Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân có thể giúp họ giữ quyền thống trị châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020. Nước này đã mua tàu sân bay cũ của Ukraina (do Liên Xô đóng) để về tân trang và thay đổi công nghệ thành tàu chiến mới của nước này. Họ cũng tuyên bố đang đóng hai tàu sân bay khổng lồ mới nhằm đủ khả năng “bảo vệ” các vùng lãnh hải mà họ cho là của họ trước bất kỳ đối thủ nào, kể cả Mỹ, quốc gia đã thông báo kế hoạch sử dụng 60% sức mạnh hải quân của mình tại châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào năm 2020.
Trong tương lai, về mặt lý thuyết, nếu cuộc xung đột quân sự xảy ra giữa Washington và Bắc Kinh thì Hải quân Trung Quốc có thể phong tỏa mọi chốt chặn trong “chuỗi hòn ngọc” giao thông trên biển nằm trải dài từ Hồng Công thông qua Biển Đông, từ Eo biển chiến lược Malacca đến Ấn Độ Dương, Eo biển Hormuz trên Vịnh Persic và cả Biển Đỏ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng một quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng và dễ đổ vỡ trong nước nếu phải tăng cường sức mạnh quân sự cho mục đích bành trướng lãnh hải gây phẫn nộ dư luận khu vực và quốc tế khó có thể mang lại sự phát triển bền vững, hài hòa và bình an cho chính mình.
KIẾN HÒA (Theo CSMonitor, Canberratimes)