18/06/2014 - 20:21

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TIỂU ĐOÀN TÂY ĐÔ (24/6/1964 - 24/6/2014)

Nghĩa tình bộ đội Tây Đô

Bài cuối: Vẹn tình đồng đội!

Một lần lên mạng, tình cờ tôi được nghe tốp ca nam hát bài “Đồng đội” (của nhạc sĩ Hoàng Hiệp) ... Có nhiều “bình luận” ngưỡng mộ. Trong đó có lời - như bật thốt tiếng kêu xé ruột “Nhớ quá đồng đội ơi! Chúng mày ơi! Tuyền ơi, Đức ơi, Long ơi, Dũng ơi! ... Tao nhớ quá. Chúng mày đâu cả rồi?”...

1. Ông Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa), nguyên đoàn phó chính trị Đoàn 9902, kể: Khoảng tháng 5-1968, anh Trần Văn Dần, “lính” của đồng chí Hà Phương, nguyên tiểu đoàn trưởng (trẻ nhất) của Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ), hy sinh. Lúc ấy Tám Nghĩa là cán bộ chính trị, đã cùng Hà Phương chở thi thể Dần tìm nơi an táng. Hai người đi suốt đêm, tới gần sáng. Cuối cùng, tại vàm Rau Mui, cả hai xắn tay đào huyệt, rồi dùng ván xuồng bó thi thể Dần, đem chôn!

Lúc ở Đoàn 9902, với vai trò chỉ huy, sau khi hoàn thành sứ mệnh “giúp bạn CPC”, trước lúc về nước (TĐTĐ là đơn vị đến CPC trước nhất và ra về sau chót), Tám Nghĩa đã cho cất bốc toàn bộ khoảng 100 hài cốt liệt sĩ của tiểu đoàn đang nằm rải rác ở các nghĩa trang, kể cả ở biên giới Thái Lan, trân trọng đưa anh em về Tổ quốc. Có trường hợp chính ông là người trực tiếp bốc mộ, thi thể đồng đội đang thời kỳ thối rữa. Lúc ấy ông không nghĩ ngợi nhiều, chỉ canh cánh “nhứt định không để ai bị thất lạc hài cốt ở xứ người!”. Trải bao trận mạc, tình đồng đội đối với ông tự nhiên như hơi thở, không khí – không thể không có được! Chính vì vậy, hành động xuất phát từ tình đồng đội, vì đồng đội, cho đồng đội là tất nhiên, không thể khác! Như thể đã trở thành quán tính!

Không chỉ chôn cất đồng đội là liệt sĩ, hoặc tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ Tây Đô từ ngoài nước về Tổ quốc. Những ngày đầu mới giải phóng, Tám Nghĩa đã đi tìm mộ của liệt sĩ Mai Văn Hòa – người do chính tay ông và một chị cán bộ chôn cất tại Rạch Chuối (Long Tuyền) vào khoảng cuối tháng 2-1968. Do địa hình thay đổi, không tìm được mộ. Cũng may, người chủ đất trước đây đi “tản cư”, sau giải phóng trở về, biết vị trí, chỉ - ông mới tìm đến đúng nơi đã an táng đồng đội mình từ 7-8 năm về trước!

Lần thứ hai, ông lặn lội đi tìm thêm mộ đồng đội khác ở Xóm Chài, gặp cả hai mộ, một có tên liệt sĩ, mộ kia không. Khi được ông báo tin, thân nhân liệt sĩ có tên, đã đến, và bốc cả hài cốt của người liệt sĩ chưa-biết-tên, đem về quê nhà cải táng, cho 2 người đồng đội được ở gần nhau, bởi cùng lúc hy sinh trong cùng trận đánh! Lần thứ ba, Tám Nghĩa đi tìm mộ liệt sĩ chính là lính của mình, nhưng không gặp. Lại gặp mộ của đồng đội khác – Hai Lư, quê Xuân Hòa (Kế Sách). Lần đó, trận đánh diễn ra quá nhanh, gọn. Khi thắng trận, đơn vị rút ra, không thấy Hai Lư, trung đội phó đại đội 28 đâu... Sau này nghe dân nói lại, thấy xác Việt cộng trong chốt địch (trên lộ Xẻo Vông - Phụng Hiệp), chen lẫn bên xác những tên lính...

Đại diện BLLCCB TĐTĐ trao Quyết định tặng nhà đồng đội cho anh Nguyễn Văn Thành (em của liệt sĩ
Nguyễn Văn Hiên) ở Tân Thới – Phong Điền. Ảnh: Do BLLCCB TĐTĐ cung cấp 

Nói về chuyện tìm mộ liệt sĩ, Thiếu tướng AHLLVTND Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), có lúc hơi nghẹn lời. Ông cho biết, BLLCCB TĐTĐ (gọi tắt BLL) đã tìm và đem được khoảng 15 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác ngoài các cánh đồng, lại toàn chưa-biết-tên! “Vậy sao biết đó chính là liệt sĩ Tây Đô?” “Biết chớ. Vì chính anh em mình đã hy sinh ở đó, và đã chôn ở đó – như trường hợp liệt sĩ Hòa. Riêng số anh em nằm viện, khi tử thương, quân y sẽ để tên họ người đó trong lọ “pi” (péniciline) trong khi chôn, nên dễ biết...”. Theo ông Ba Ngay, còn nhiều lý do khác, khiến hiện nay có khoảng vài trăm liệt sĩ Tây Đô chưa-biết-tên. Trong đó, tại Nghĩa trang liệt sĩ Giồng Riềng (Kiên Giang) đã có khoảng 200 mộ. Ông nói thêm, đó chính là “điều đau khổ” của BLL, bởi có nhiều trường hợp liệt sĩ có tên, nhưng khi quy tập từ ruộng về xã, từ xã về huyện, từ huyện lên tỉnh – thì bị thất lạc, nhiều liệt sĩ có tên lại trở thành “vô danh”! Cũng có trường hợp, anh em nhớ chỗ chôn liệt sĩ, nhưng do qui hoạch phát triển, địa phương không biết... cuối cùng không tìm được! Mặt khác, có nhiều liệt sĩ hoàn toàn không để lại bất cứ hình ảnh nào, nên khi thực hiện tập kỷ yếu TĐTĐ, chỉ có thể cố gắng tập hợp sao cho đầy đủ danh sách cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn – nhưng việc này cũng không hề dễ dàng...

Duy có điều an ủi là, BLL đã sửa chữa, nâng cấp được ngôi mộ chung của 46 liệt sĩ hy sinh trong trận Cái Sắn hồi gần 50 năm trước. Đồng thời, đã được chính quyền hỗ trợ, xây dựng Nhà lưu niệm TĐTĐ ở thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh) để làm nơi tưởng nhớ liệt sĩ, đồng thời làm nơi tập hợp, giáo dục truyền thống cho học sinh, cùng giới trẻ quê hương!

2. Không chỉ những công việc ấy. Còn việc thăm viếng, giúp đỡ đồng đội khi ốm đau, tang ma... BLL luôn cố gắng chu toàn. Ngay việc trao tặng nhà đồng đội, có trường hợp quá khó khăn, không vượt được nghịch cảnh, BLL sẵn sàng hỗ trợ xây lại nhà lần thứ hai. Như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Hiển, quê Phong Điền - Cần Thơ, hiện đang sống nơi quê vợ Long An. Hay trường hợp ông Lê Văn Đoan, thương binh nặng, đã được BLL trao tặng nhà đồng đội vào năm 2003, nhưng đã bị sập mà ông lại quá nghèo, nên đợt kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tiểu đoàn lần này, BLL lại cất nhà đồng đội cho ông Đoan thêm lần nữa...

Tính chung, 12 năm qua, BLLCCB TĐTĐ TP Cần Thơ đã trao tặng 598 căn, riêng 19 tiểu ban thuộc TPCT, khu vực Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tây Ninh đã trao tặng 200 căn nhà đồng đội... Có dịp gắn bó cùng BLL trong gần hai năm qua, tôi mới hiểu: những con số - nhà đồng đội Tây Đô trị giá từ 10 triệu, lên 18, 20, rồi 32 triệu (theo thời giá), có trường hợp 40 triệu đồng - không phải là con số đơn thuần, khô khan. Mà gói ghém cả tấm lòng của những đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền Cần Thơ, Hậu Giang qua các thời kỳ, có đồng chí còn đương chức, đồng chí đã nghỉ hưu, thậm chí có đồng chí đã từ trần - như đồng chí Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh), v.v... Và từ đó, sức lan tỏa ngày một lớn dần, thu hút cả các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân vào cuộc - như: Công ty HimLam (Bộ Quốc phòng); Ngân hàng TMCP AB chi nhánh Cần Thơ; Cty Xi măng Cần Thơ; Cty Lương thực Miền Nam; HTX Vạn Phước; rồi mới đây là Co.opmart Sài gòn-Cần Thơ; v.v... Tôi không thể liệt kê cũng không thể nhớ hết, chỉ biết rằng, con số đóng góp của nhiều mạnh thường quân, lẫn chính quyền Cần Thơ, Hậu Giang, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, v.v... cho BLL TP Cần Thơ làm nhịp cầu nối-những-bờ-vui đến gần 600 CCB Tây Đô ở nhiều địa phương của Miền Tây - đã lên đến gần 40 tỉ đồng.

Tôi đã có dịp cùng đi với BLL trong vài lần trao tặng nhà. Và tôi hiểu, để có được buổi trao tặng ấy là cả thời gian hoạt động khá vất vả của thường trực BLL, kể cả ông Ba Ngay là trưởng ban. Nói chung, các đồng chí phải đi đến tận nơi bất kể vùng sâu, xa, hẻo lánh... (có khi đi 2,3 lần) để thăm, để nắm chắc cảnh ngộ của đồng đội mình, hầu giải quyết thỏa đáng, đảm bảo công bằng, hợp lý – dù có lúc không hoàn toàn tuyệt đối, bởi phải dựa vào hoàn cảnh thực tế từng người. Cho nên mới có trường hợp được cất lại nhà đồng đội lần thứ hai...

Một điều dễ nhận thấy là, mục tiêu thành lập BLL xem như đã đạt được. Đó là, để tiện thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ nhau vượt khó khăn, hoạn nạn; nhắc nhau giữ vững, phát huy bản chất tốt đẹp của người bộ đội Cụ Hồ, gắn bó địa phương, đóng góp công sức vào lợi ích cộng đồng, nuôi dạy con cháu trở thành người hữu dụng. Cũng như việc trao tặng nhà đồng đội, đã giúp CCB Tây Đô ổn định một bước về cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình hơn so với trước. Điều quan trọng là đã giúp CCB Tây Đô và chính quyền địa phương hiểu biết, gắn bó nhau hơn. Bằng chứng là, so với trước đây BLL chỉ “âm thầm” hoạt động, thì vài năm trở lại đây, mỗi địa phương nơi có CCB Tây Đô được tặng nhà, sẽ xuất quỹ an sinh xã hội địa phương, “đối ứng” 5 triệu đồng/căn (riêng huyện Mỹ Xuyên và Ngã Năm - Sóc Trăng chi 10 triệu đồng); hoặc hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà đồng đội cho CCB Tây Đô đang sinh sống tại địa phương.

Còn nhớ, ông Hà Phương, phó ban BLL có lần kể lại, khá bức xúc, đại ý, ở một địa phương nọ, sau khi khảo sát xong hoàn cảnh gia đình đồng đội mình, ông đã đến gặp bí thư xã, đề nghị hỗ trợ “đối ứng”. Nhưng, đồng chí bí thư này đã trao lại bức ảnh do ông chụp về căn nhà lá rách te tua của người đồng đội, và lạnh lùng “phán” ngay: “Tôi không tin địa phương mình lại có căn nhà kiểu như vầy...”. Nén giận, ông Hà Phương vừa thuyết phục, vừa khôn khéo, lẫn kiên quyết đấu tranh với thái độ quan liêu lẫn vô tình của “ông quan xã”. Cuối cùng thì căn nhà đồng đội ấy cũng được sự hỗ trợ “đối ứng” của chính quyền địa phương.

Có một điều cần ghi nhận, khi CCB Tây Đô được BLL quyết định trao tặng nhà - thì giống như có một chất keo gắn kết – khiến con cái, thân nhân họ hăng hái góp phần. Người tạm ứng tiền làm công; người xuất tiền túi cho mượn; người tặng thêm vật dụng, hoặc “lì xì”- cho căn nhà được “thắm da, đỏ thịt”, đầy đủ tiện nghi hơn. Tương tự, có nơi, qua sự ủng hộ, vận động của chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương, thì càng có nhiều người “xúm” vô đóng góp, hỗ trợ thêm... Tôi nghĩ, đây chính là thành công lớn của BLL trong việc chăm lo xây dựng, trao tặng nhà đồng đội!

Tuy nhiên, dẫu sự đóng góp vừa qua đối với BLL là to lớn, nhưng nhu cầu có thực còn rất nhiều, nên BLL không thể làm khác - dù vẫn biết, 32 hay 40 triệu đồng để xây một căn nhà đồng đội “vẫn còn khiêm tốn lắm!”.

Có lẽ chính vì thế mà các đồng chí trong BLL muốn “giữ chân” ông Ba Ngay hoài ở “chức” trưởng ban. Riêng ông, cũng không nỡ chối từ, vì biết mình vẫn còn “sức thuyết phục” khi kêu gọi sự ủng hộ xây dựng nhà đồng đội... Và, cũng bởi lòng ông thường mong mỏi: Bộ đội Tây Đô sống với nhau sao cho trọn nghĩa vẹn tình!

NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết