06/02/2023 - 10:58

Nghĩa cử cao đẹp 

H.HOA

Trong những ngày nghỉ Tết, khi nhận được điện thoại có bệnh nhân cần truyền tiểu cầu, nhiều nhân viên y tế, người dân nhanh chóng đến Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ (BVHH - TMCT) để hiến tiểu cầu cứu người bệnh.

BS Phan Thanh Huy, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ hiến máu vào mùng 4 Tết. Ảnh: CTV

BS Phan Thanh Huy, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ hiến máu vào mùng 4 Tết. Ảnh: CTV

Bạn Võ Thị Diễm Chi là nhân viên của Khoa Hiến máu nhân đạo, BVHH - TMCT đã tham gia hiến máu khi còn là sinh viên. Lần đầu hiến máu, Chi có hơi sợ, nhưng đến nay cô gái 25 tuổi này đã có 38 lần hiến máu và hiến tiểu cầu. Trong đó 29 lần hiến khối tiểu cầu gạn tách. Riêng trong năm 2022, Chi đã hiến tiểu cầu 11 lần.

Trong những ngày Tết Quý Mão, dù đang bận việc nhà, nhưng nhận được điện thoại có bệnh nhân cấp cứu cần truyền tiểu cầu, Chi lại sắp xếp việc cá nhân, nhanh chóng chạy vào BV. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Chi hiến tiểu cầu trong những ngày Tết. Không chỉ trong Tết, khi có bệnh nhân cần tiểu cầu để cấp cứu, điều trị, Chi đều sẵn lòng. Chi chia sẻ: "Tham gia hiến máu từ thời sinh viên và 4 năm nay về công tác ở BV, em càng thấu hiểu tầm quan trọng của máu, tiểu cầu trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Mỗi khi có bệnh nhân cần mà trong kho không còn, vận động chưa có ai hiến máu là em và các anh chị em trong BVHH - TMCT sẵn lòng cho máu. Cho máu không ảnh hưởng, trái lại còn tốt cho sức khỏe và cứu được người bệnh. Bởi đến nay dù y học phát triển nhưng cũng chưa tìm ra phương thuốc nào thay thế được máu".

  Hiến tiểu cầu gạn tách hay còn gọi là tiểu cầu máy. Máu của người hiến sẽ được đưa trực tiếp vào trong hệ thống máy gạn tách. Máy này có nhiệm vụ tách tiểu cầu ra đưa vào túi trữ, các thành phần máu còn lại sẽ được chuyển trả lại cơ thể. Quá trình này lặp đi lặp lại cho đến khi máy tách đủ lượng tiểu cầu theo yêu cầu. Vì thế, thời gian hiến tiểu cầu sẽ lâu hơn thời gian hiến máu toàn phần.

Là một bác sĩ, từng có người thân bị bệnh ung thư máu nên anh Phan Thanh Huy luôn sẵn lòng hiến máu và tiểu cầu khi có bệnh nhân cần. Ngay từ lúc còn là sinh viên y khoa, Huy đã tham gia hiến máu. Hiến nhiều lần, các anh chị trong BVHH - TMCT quen mặt nên vận động Huy để dành máu. Thời sinh viên, những cuộc gọi vào bất kể ngày, đêm, cứ nhận điện thoại, Huy chạy ngay vào BV. Sau này, khi về công tác ở Khoa Gây mê hồi sức, BV Ung bướu TP Cần Thơ, Huy đăng ký với BV. Hiến máu nhiều lần và xem đây là việc làm bình thường, nên Huy chẳng nhớ nổi mình đã cho máu bao nhiêu lần. Bản thân thấy khỏe, sắp xếp được công việc thì chạy vào cho máu. Dịp Tết Quý Mão vừa qua, sáng sớm mùng 4 Tết, Huy chạy vào BVHH - TMCT hiến tiểu cầu cấp cứu cho bệnh nhân. Cũng trong ngày mùng 4 Tết, BV Ung bướu TP Cần Thơ cũng có 4 người vào hiến tiểu cầu.

Theo thống kê của BVHH - TMCT, từ mùng 3 Tết đến mùng 5 Tết, có 18 nhân viên y tế ở 4 BV: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Ung Bướu, Huyết học - Truyền máu và Phụ sản tham gia hiến tiểu cầu. Nghĩa cử hiến máu cứu người được ngành Y tế TP Cần Thơ duy trì nhiều năm nay và đã trở thành hoạt động thường niên vào dịp Tết. Qua đó, lan tỏa thông điệp hiến máu cứu người và hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến máu.

Ngoài nhân viên y tế, trong những ngày Tết có 29 người dân là giáo viên, nhân viên, buôn bán, sinh viên... đến BV hiến tiểu cầu cứu người. Trong đó, anh Nguyễn Hữu Toàn, là gương mặt quen thuộc với BVHH - TMCT. Toàn thường xuyên hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người bệnh, nhất là trong những ngày Tết. BS Nguyễn Xuân Khôi, Khoa Hiến máu nhân đạo, BVHH - TMCT, cho biết: Không giống như các thành phần máu khác, tiểu cầu chỉ bảo quản được 5 ngày. Trong khi ngày 27 Tết, các đơn vị không đăng ký hiến máu. Vì thế, khi có bệnh nhân cần tiểu cầu, BV gọi người tình nguyện đến hiến tiểu cầu. Ngày thường, lực lượng hiến tiểu cầu đa số là sinh viên nhưng ngày Tết, các em về quê nên Sở Y tế chỉ đạo các BV vận động nhân viên y tế đăng ký hiến tiểu cầu để chuẩn bị sẵn sàng khi có bệnh nhân cần, gọi vào BV hiến ngay.

Chia sẻ bài viết