07/10/2021 - 20:24

Nghị sĩ Úc kêu gọi tăng cường quan hệ với Ðông Nam Á

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một báo cáo điều tra mới đây của Ủy ban Ðối ngoại, Quốc phòng và Tham chiếu Thương mại, bao gồm các nghị sĩ thuộc Công đảng và đảng Tự do, đã kêu gọi Canberra tăng cường hợp tác với các quốc gia Ðông Nam Á và “tiếp tục tham gia đầy đủ với ASEAN”.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Úc đang theo đuổi “mối quan hệ đối tác vĩnh cửu” với các đồng minh truyền thống, trong đó có việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác an ninh 3 bên với Mỹ và Anh, gọi tắt là AUKUS.

Theo báo cáo trên, Úc và ASEAN chia sẻ chương trình nghị sự về một “khu vực hòa bình, bao trùm và kiên cường của các quốc gia có chủ quyền”. Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Công đảng Kimberley Kitching nhấn mạnh rằng “tiếp tục đầu tư vào các nhóm đã thành lập như ASEAN sẽ rất quan trọng, trong khi các cấu trúc an ninh mới như nhóm “Bộ tứ” và AUKUS cũng sẽ lớn mạnh”.

Trình bày quan điểm trước Ủy ban điều tra, Ðại sứ Nhật Bản tại Úc Shingo Yamagami cho biết ông “rất lạc quan về tương lai của ASEAN” và tin tưởng vào vai trò của khối trong việc hợp tác chặt chẽ với các quốc gia như Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Trong khi đó, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings khuyến nghị Canberra nên tìm cách để các nước trong nhóm “Bộ tứ” hợp tác với các nước ASEAN trong các lĩnh vực phù hợp với mong muốn và lợi ích của ASEAN”.

 Trong diễn biến khác, ngày 6-10, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo Pháp sẽ điều động Ðại sứ Jean-Pierre Thebault trở lại Úc, sau khi triệu hồi ông này về nước do những rạn nứt khi Mỹ, Úc và Anh nhất trí về AUKUS, dẫn tới việc Úc hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD với Pháp.

Ngay sau khi Ngoại trưởng Pháp thông báo quyết định trên, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh việc đại sứ Pháp quay trở lại Canberra sẽ giúp hàn gắn quan hệ giữa hai nước.

Giới phân tích cho rằng sự giận dữ của Pháp không chỉ xuất phát từ việc mất hợp đồng tàu ngầm, mà còn do sự tan vỡ của liên minh với Úc - mà nước này coi là nền tảng trong chiến lược của Paris tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

NGUYỄN MINH

 

Chia sẻ bài viết