11/03/2008 - 22:15

Không đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán

Ngành thủy sản kêu cứu!

Hơn một tháng qua, người nuôi trồng, đánh bắt và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng ngồi không yên. Bởi việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và chế biến xuất khẩu đang trên đà thua lỗ nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự sụt giảm giá của đồng đô-la Mỹ (USD) trên thị trường làm các doanh nghiệp xuất khẩu “khó khăn chồng chất”. Theo lý giải của Chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP), việc thanh toán các lô hàng xuất khẩu phần lớn dựa trên USD, trong khi nguyên liệu, vật tư chủ yếu cho sản xuất đều sử dụng các nguồn trong nước và thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam (VND). Khi USD bị mất giá, doanh nghiệp lại rất khó bán ngoại tệ thu VND về sau khi xuất khẩu; các ngân hàng lại có chủ trương hạn chế mua USD, hoặc mua với tỷ giá thấp đã tác động đến vòng quay vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp ngành thủy sản rơi vào tình trạng dư ngoại tệ nhưng lại rất khó khăn trong vay vốn ngân hàng, dù phải “gồng mình” vay vốn với lãi suất cao (từ 1-1,4%/tháng). Vì vậy, để có thể duy trì sản xuất trong tình thế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp buộc phải giảm giá thu mua nguyên liệu hoặc mua với giá thấp.

Hậu quả dây chuyền dễ thấy nhất hiện nay là sự giảm sút của thị trường cá tra nguyên liệu. Đầu tuần này, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL loại thịt trắng chỉ còn ở mức 14.200-14.300 đồng/kg, giảm 100-400 đồng/kg, cá loại thịt vàng nhạt, thịt hồng chỉ còn 13.300 - 13.800 đồng/kg, giảm 200-500 đồng/kg. Mức giá này được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm giá trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho biết: “Giá các loại thức ăn thủy sản tuần nào cũng tăng thêm lên từ 300-400 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước lại tăng kéo theo nhiều chi phí khác phục vụ nghề nuôi cá tra cũng đã tăng theo. Tính ra, hiện nay, giá thành sản xuất cá tra thương phẩm đã đạt mức 14.000 - 14.400 đồng/kg”.

Theo tính toán của nhiều người khai thác - nuôi thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL, các chi phí đầu vào như: giống, thức ăn, nhiên liệu, chi phí vận chuyển... đều tăng cao khoảng 20% so với trước. Điều này khiến người nuôi và ngư dân bị lỗ, ngân hàng lại hạn chế cho vay vốn tín dụng gây khó khăn trong việc đầu tư tiếp cho vụ nuôi mới hoặc tiếp tục các chuyến biển tiếp theo.

Và như vậy, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của ngành và cả nước trong năm 2008 thêm gay gắt. Trước thực trạng này, Chủ tịch VASEP, ông Trần Thiện Hải đã có công văn gởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Bộ trưởng kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước hữu quan kịp thời áp dụng các giải pháp điều hành, tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản giảm bớt khó khăn.

Theo đó, trước mắt VASEP kiến nghị Chính phủ khẩn trương điều chỉnh các giải pháp kinh tế theo hướng không gây bất lợi, khó khăn kéo dài cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực; Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và có biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua toàn bộ số ngoại tệ do các doanh nghiệp thu được từ xuất khẩu theo tỷ giá do nhà nước công bố. VASEP cũng đề nghị Nhà nước tạo điều kiện về lượng tiền VND, để ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền vay và cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vay tiền mặt; nhanh chóng xem xét các biện pháp bù lỗ giá dầu cho nông - ngư dân...

Rõ ràng, từ việc VASEP phải cầu cứu Bộ NN&PTNT cho thấy sự giảm giá mạnh của USD so với VND đã và đang tác động xấu đến tình hình xuất khẩu của ĐBSCL và cả nước. Trong đó, sự phát triển ổn định và bền vững của ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, trong lúc chờ đợi những điều chỉnh từ Chính phủ, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành thủy sản nói riêng cũng nên chủ động chú ý đến việc đa dạng hóa loại ngoại tệ thanh toán, mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất... Có như vậy mới có thể vượt qua khó khăn hiện nay, ổn định tình hình xuất khẩu, từ đó vực dậy ngành khai thác và nuôi thủy sản ở ĐBSCL và cả nước.

• ĐÔNG TRIỀU

Chia sẻ bài viết