(CTO) - Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 tiếp tục vượt ngưỡng 50 và đây là tháng thứ 4 liên tiếp, cho thấy ngành sản xuất Việt Nam đã phục hồi tốt hơn.
Sản lượng tăng mạnh
Báo cáo của S&P Global, tháng 7-2024, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 54,7 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tiếp tục cải thiện. Sự cải thiện đáng kể được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp, chỉ số PMI vượt ngưỡng 50 điểm.
Khảo sát của S&P Global cũng ghi nhận, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh, khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng đã nhanh gần bằng mức cao kỷ lục. Theo đó, tháng 7-2024 ghi nhận sản lượng tăng nhanh nhất, chỉ sau mức ghi nhận kỷ lục của tháng 3-2011. Tín hiệu tích cực nữa là hoạt động mua hàng và việc làm qua khảo sát PMI tháng 7 đều tăng.
Bình luận về chỉ số PMI tháng 7, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - Andrew Harker, cho biết: Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã có thể nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ của tháng 6 sang tháng 7, làm tăng thêm sự lạc quan rằng chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.
Chuyên gia S&P Global cũng nhận định, trong khi sản xuất đang được đẩy mạnh, các công ty vẫn phải sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới, khiến hàng tồn kho giảm với mức giảm mạnh nhất từng được ghi nhận (tháng 2-2014). Các nhà sản xuất sẽ cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn để đảm bảo sản xuất nếu xu hướng đơn hàng mới tiếp tục duy trì những tháng tới đây.
Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%) và là mức tăng cao thứ 2 của 7 tháng trong 5 năm qua. Cụ thể, tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng các năm 2020-2024 lần lượt là: 2,6%; 7,6%; 8,6%; -0,8% và 8,5%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-7-2024 tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%. Theo ngành hoạt động, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước...
Trên thực tế, ngành sản xuất Việt Nam đã phục hồi tốt hơn trong tháng 7-2024. Báo cáo của S&P Global cũng nhận định, các công ty đã cố gắng tăng công suất bằng việc tăng cả hoạt động mua hàng và việc làm vào đầu quý III. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng đáng kể và tốc độ tăng là nhanh nhất, kể từ mức ghi nhận cao nhất của tháng 5-2022. Các nhà sản xuất đã dễ dàng hơn trong việc mua nguyên vật liệu nhờ thời gian giao hàng của các nhà cung cấp được rút ngắn ở tháng thứ 2 liên tiếp, dù vẫn còn chậm trễ trong khâu vận tải biển. Song, các nhà sản xuất kỳ vọng các điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện thời gian tới.
Trợ lực để ngành sản xuất tăng tốc
Kết quả khảo sát PMI tháng 7 của S&P Global cho thấy, mặc dù đơn hàng tăng mạnh nhưng chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7, đây là lo ngại lớn của các nhà sản xuất trước áp lực tăng giá. Thực tế này cũng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng ở tháng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, những kỳ vọng về số lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng trong năm tới đã củng cố niềm tin kinh doanh về triển vọng sản lượng. Khoảng 40% số công ty trả lời khảo sát thể hiện sự lạc quan này, nhưng tâm lý kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay và là mức yếu hơn trung bình của lịch sử chỉ số PMI.
Các tổ chức quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm, nhờ ngành sản xuất phục hồi, xuất khẩu tăng. Song, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công) và trợ lực cho các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, tăng năng suất lao động...). Kết hợp chặt chẽ chính sách tài chính và tiền tệ để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm (ảnh: Khách hàng giao dịch tại KienlongBank chi nhánh Cần Thơ). Ảnh: T.H
Từ tháng 7-2024, nhu cầu toàn cầu cải thiện tốt hơn, nhưng các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo các căng thẳng địa chính trị, điểm hạn chế trên thị trường tài chính và chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát ở mức cao... có thể tác động đến các nền kinh tế. Do vậy, Việt Nam cần đồng bộ các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế. Hiện các chính sách miễn, giảm thuế, gia hạn thuế, phí và lệ phí,... đang phát huy hiệu quả hỗ trợ tốt cho nền kinh tế cần tiếp tục đến hết năm 2024.
Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê và khảo sát của các tổ chức quốc tế, từ cuối quý II-2024, ngành sản xuất Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tốt hơn các tháng đầu năm. Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát hơn 30.530 doanh nghiệp, với 29.300 doanh nghiệp phản hồi (6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 6.056 doanh nghiệp xây dựng và 17.130 doanh nghiệp ngành thương mại dịch vụ). Các doanh nghiệp đã lạc quan hơn về đơn hàng mới từ cuối quý II và kỳ vọng tăng tốc từ đầu quý III đến cuối năm.
Để tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tạo điều kiện về vốn tín dụng, 47% doanh nghiệp khảo sát kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm. Đồng thời có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, hỗ trợ đầu ra, đào tạo nghề cho lao động... để hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Khi các khó khăn được tháo gỡ kịp thời sẽ củng cố thêm niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp.
SONG NGUYÊN