10/08/2019 - 17:48

Ngành công nghiệp đẻ thuê Ấn Độ sắp “đóng cửa” 

Giới lập pháp Ấn Độ đang xem xét một dự luật mà trong đó đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn về mang thai hộ. Nếu được thông qua, các trường hợp như siêu sao Bollywood Shah Rukh Khan, người có đứa con thứ 3 nhờ mang thai hộ, sẽ không xảy ra.

Những phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ. Ảnh: SCMP

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, dự luật chỉ cho phép các cặp vợ chồng Ấn Độ kết hôn ít nhất 5 năm mà vẫn chưa có con tìm kiếm người mang thai hộ và người này phải là "người thân" của họ. Nó cũng đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe đối với người mang thai hộ, cha mẹ ruột của em bé tương lai, bệnh viện và chuyên gia hỗ trợ sinh sản, cũng như người hiến tặng trứng và tinh trùng. Điểm đáng chú ý nhất là dự luật cấm tất cả các trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại và người đồng ý mang thai hộ phải cam kết làm việc này vì "lòng nhân ái". Dự luật cũng yêu cầu tất cả các cặp vợ chồng tìm người mang thai hộ phải chứng minh tình trạng vô sinh của họ.

Năm 2002, Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ đưa ra quy định, trong đó cho phép thuê phụ nữ mang thai hộ. Quy định lỏng lẻo này đã làm nảy sinh thuật ngữ "đẻ mướn" nhiều tranh cãi. Giới chuyên gia cho rằng dự luật mới sẽ đặt dấu chấm hết đối với ngành công nghiệp mang thai hộ trị giá lên tới 2 tỉ USD của Ấn Độ, nhưng cũng dập tắt hy vọng có con của những người chưa kết hôn hoặc đã ly dị, những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), người nước ngoài sống tại nước này. Nếu muốn trở thành cha mẹ, những đối tượng kể trên chỉ có thể tìm đến những nước hiện cho phép mang thai hộ vì tiền (như Nga và một số tiểu bang của Mỹ).

Tinh thần của dự luật mang thai hộ mới được cho là dựa trên khuôn khổ của Đạo luật cấy ghép nội tạng người năm 1994, theo đó chỉ cho phép hiến tặng nội tạng của người sống hoặc đã chết vì "lòng nhân ái". Những người hiến tặng nội tạng sống có thể được chi trả tiền phẫu thuật và phí y tế nhưng việc hiến tặng là phải xuất phát từ "tình thương".

Dù vậy, dự luật mới cũng dấy lên nhiều tranh cãi. Tại một xã hội gia trưởng như Ấn Độ, các chị em có thể phải đối mặt với áp lực từ gia đình khi phải sinh con cho người khác mà không nhận về bất kỳ lợi ích kinh tế nào, ngoài mức hỗ trợ về chi phí y tế. Điều này càng làm tăng sự bất bình đẳng giới tại Ấn Độ. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc năm 2017, Ấn Độ xếp thứ 125/159 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số bình đẳng giới. Mặt khác, một nghiên cứu hồi năm 2016 cho thấy mức phí điều trị một căn bệnh nghiêm trọng đối với phụ nữ ở Ấn Độ thấp hơn 28% so với nam giới. Trong khi đó, kết quả phân tích dữ liệu từ nhiều tổ chức nghiên cứu và y tế Ấn Độ hồi năm ngoái cho thấy, phụ nữ nước này chiếm 74% tổng số người hiến thận và 61% tổng số người hiến gan, song họ chỉ chiếm 19% người nhận thận và 24% người nhận gan.

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng lên tiếng chỉ trích dự luật, cho rằng việc cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể sẽ tạo ra một thị trường chợ đen tương tự như buôn bán nội tạng và mại dâm. "Một điều cần phải thừa nhận là bất cứ khi nào có sự chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn cung hợp pháp một sản phẩm nào đó, thị trường chợ đen sẽ xuất hiện và phát triển mạnh" - trích ý kiến trong một bài xã luận đăng trên tờ The Hindu.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết