28/12/2024 - 21:19

Ngăn ngừa bệnh đường tiêu hóa tiến triển thành ung thư 

Ăn uống lành mạnh, điều độ giúp tăng cường sức khỏe; ngược lại, việc ăn uống cũng có thể khiến cơ thể bệnh tật, thậm chí là bệnh ác tính. Hệ tiêu hóa không ổn còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mọi người nên lắng nghe cơ thể, áp dụng chế độ ăn uống phù hợp, kết hợp lối sống tích cực vận động để có sức khỏe tốt nhất.

Bác sĩ dinh dưỡng khuyên hạn chế các thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm dẫn đến nhiều trường hợp nguy kịch sức khỏe, tử vong. Hệ lụy từ thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất nặng nề, cả trước mắt và lâu dài. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn uống và mô hình bệnh tật biến đổi, trong đó có sự gia tăng của các bệnh ung thư.

Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi trong môi trường xã hội hiện đại ngày càng xa rời tự nhiên. Nhất là nguồn thực phẩm, mặc dù ngày càng đa dạng nhưng cũng chứa nhiều hóa chất, phụ gia, chất kích thích, kể cả chất cấm dùng trong thực phẩm. Việc lạm dụng kháng sinh từ thuốc và thực phẩm ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường tiêu hóa. Cơ thể con người cũng đang biến đổi trong điều kiện môi trường sống ngày càng ô nhiễm dẫn đến nguy cơ rối loạn miễn dịch, xảy ra tình trạng dị ứng đường hô hấp và tiêu hóa. Tình trạng dị ứng, phản ứng viêm của đường tiêu hóa thường xuyên, lặp đi lặp lại, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến các bệnh ung thư.

Nước ta có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa với các tình trạng phổ biến: tiêu chảy, táo bón, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích… Trong các loại bệnh ung thư, ung thư đường tiêu hóa là nhóm bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam, với khoảng 14.000 bệnh nhân mắc mới ung thư đại trực tràng mỗi năm và khoảng 7.000 người tử vong do bệnh lý này. Ung thư dạ dày cũng ngày càng phổ biến.

TS.BS Trần Khánh Vân, Trưởng Khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia giải thích, đường tiêu hóa là cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Hệ vi sinh vật thường trú trong hệ tiêu hóa cộng sinh cùng nhau, với tỷ lệ trung bình là 85% lợi khuẩn và 15% vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, khi ăn uống không đảm bảo chất lượng, hệ vi khuẩn biến đổi, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Hệ tiêu hóa có tác dụng tới thần kinh, gọi là hệ thần kinh thứ hai, tác động đến não bộ mà chuyên ngành gọi trục não ruột. Vì vậy, hầu hết người mắc bệnh tiêu hóa gặp tình trạng tinh thần hay lo âu, căng thẳng.

Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, một số biểu hiện ban đầu của các bệnh tiêu hóa: không có cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn, chướng hơi, đầy bụng… Những rối loạn chức năng này không đáng ngại, tuy nhiên, nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng phức tạp hơn, thậm chí biến chứng thành bệnh nguy hiểm. Chẳng hạn, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất độc hại, uống ít nước, ít vận động, tinh thần căng thẳng khiến hệ tiêu hóa giảm tiết dịch, dẫn tới táo bón, kéo dài thành trĩ, sa sàn chậu, sa trực tràng,… Các thống kê trong và ngoài nước cho thấy hiện nay, tỷ lệ ung thư thực quản đang gia tăng. Ung thư thực quản 1/3 trên chủ yếu liên quan đến tác hại của thuốc lá, nhưng ung thư thực quản 1/3 dưới liên quan đến tình trạng trào ngược dạ dày. Bệnh trào ngược có nguyên nhân từ các yếu tố về thần kinh khi sử dụng đồ ăn có chứa các chất kích thích, kích ứng, dẫn đến tổn thương thực thể ở cơ thắt thực quản. Sau 5-10 năm, tình trạng biến đổi niêm mạc gây tổn thương, hình thành khối u dạ dày. 

Trước những vấn đề bệnh ở hệ tiêu hóa, BS Khánh Vân lưu ý chế độ ăn giúp cân bằng hệ vi sinh ổn định. Đó là đảm bảo ăn các loại thực phẩm đa dạng từ 8 nhóm mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, gồm: nhóm trứng, thịt, các loại hải sản; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm rau củ, quả; nhóm các loại hạt, nhóm các loại cung cấp tinh bột và uống đủ nước. Hạn chế chất kích thích; hạn chế ăn thức ăn nhanh, chiên xào, nhiều dầu mỡ, nhiều đường có thể gây ra các phản ứng viêm, đảo lộn sự phát triển của vi sinh đường ruột. Tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ và bổ sung hệ vi sinh bằng các thức ăn lên men, như sữa chua và rau, củ quả muối chua. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, bên cạnh chế độ ăn uống, việc tập luyện thể dục thể thao cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết