19/11/2009 - 08:28

Nga và EU nỗ lực hàn gắn quan hệ

Hôm qua 18-11, Hội nghị thượng đỉnh Nga – Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ở Stockholm (Thụy Điển), với sự kỳ vọng của cả hai bên về những bước đột phá lớn trong mối quan hệ, vốn bị gián đoạn sau cuộc chiến Nga – Gruzia mùa hè năm ngoái. Hai bên mong muốn thiết lập nền tảng đối tác kinh tế và chính trị mới, bất chấp còn nhiều khác biệt về vấn đề năng lượng, thương mại, nhân quyền và biến đổi khí hậu.

Phiên họp lần này

Bộ trưởng Doanh nghiệp và Năng lượng Thụy Điển Maud Olofsson đón Tổng thống Nga Medvedev (trái) tới Stockholm dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU. Ảnh: Reuters 

là phiên họp thượng đỉnh lần thứ 24 của EU và Nga. Đại diện của phía châu Âu có Chủ tịch luân phiên của EU – Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Jose Manuel Barroso, Cao Ủy phục trách chính sách đối ngoại EU - Javier Solana. Đại diện phía Nga có Tổng thống Dmitry Medvedev. Một ngày trước khi hội nghị này diễn ra, Nga và EU đã ký thỏa thuận thành lập cơ chế “cảnh báo sớm”, theo đó các bên sẽ giúp nhau ngăn chặn tình trạng gián đoạn đột ngột trong cung cấp khí đốt, đặc biệt là vào mùa đông băng giá. Đây được coi là một trong những động thái nhằm xây dựng lại lòng tin giữa hai bên sau cuộc chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gruzia ở Nam Ossetia hồi năm ngoái.

Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận trên dù chỉ thể hiện quan điểm chung ở cấp thấp, nhưng ít ra đã giúp hai bên hy vọng tránh được những cuộc tranh cãi mới và bước đầu cải thiện quan hệ. Lâu nay, EU vẫn lo ngại Nga cắt nguồn cung khí đốt xung quanh cuộc tranh cãi với Ukraina. Nga từng ngưng cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống dẫn trung chuyển ở Ukraina, vốn chiếm 1/5 lượng khí đốt của châu Âu, sau cuộc tranh cãi bất thành về giá khí đốt giữa Mát-xcơ-va và Kiev hồi đầu năm nay. Vì vậy, EU hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giúp tạo được sự tin cậy về các vấn đề năng lượng với Nga.

Về thương mại, với gần 500 triệu người tiêu dùng, EU là đối tác lớn nhất của Nga, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại của Nga trong 9 tháng đầu năm nay. Nga cũng hy vọng giành được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài từ EU sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhờ trữ lượng khí đốt khổng lồ và thị trường khoảng 142 triệu dân của nước này. Các nhà phân tích cho rằng việc hợp tác giữa Nga và EU sẽ xóa bỏ đi những rào cản thương mại song phương, cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và bàn bạc về tiến triển Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Có thể nói, từ khi cuộc xung đột với Gruzia nổ ra cho đến nay, quan hệ của Nga với EU đã bắt đầu dịu bớt căng thẳng, cùng với những thay đổi của thế giới, những vấn đề cần phải đàm phán của hai bên cũng ngày một nhiều. Tháng 11 năm ngoái, Nga và EU đã ký kết một thỏa thuận tại Nice (Pháp), cùng khẳng định cả hai vẫn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết tại khu vực châu Âu này. Tại phiên họp được tổ chức tại Khabarovsk hồi tháng 5 năm nay, hai bên nhấn mạnh hợp tác là điều cần thiết cho cả Nga và châu Âu. Theo nhận định của các nhà phân tích, với những khác biệt trong nhiều vấn đề giữa hai bên, việc hình thành sự hợp tác toàn diện Nga-EU cần phải có nhiều nỗ lực và thời gian.

N. MINH (Theo Reuters, AP, WSJ)

Chia sẻ bài viết