21/08/2021 - 21:22

Nga toan tính gì ở Trung Á? 

Khi Taliban kiểm soát Afghanistan, Mỹ vội tăng tốc nỗ lực sơ tán công dân ra khỏi quốc gia Tây Nam Á này, còn Nga triển khai hàng trăm xe bọc thép và trọng pháo tới khu vực cách đó hàng trăm dặm, trên biên giới với Tajikistan. Vậy Nga gởi tín hiệu gì từ động thái đó?

Thượng tướng Anatoly Sidorov, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, cho biết sự hiện diện quân sự đó là phần của cuộc tập trận quân sự cấp cao diễn ra cách vị trí của Taliban chỉ 12 dặm. “Bạn có thể nhìn thấy tất cả các loại khí tài quân sự được triển khai. Chúng tôi không hề giấu giếm” - Tướng Sidorov giải thích. Giới chuyên gia cho rằng cuộc tập trận là dấu hiệu cho thấy Nga muốn bảo vệ khu vực Trung Á khỏi nguy cơ bạo lực tiềm tàng khi Afghanistan sụp đổ và đó là một cuộc phô diễn lực lượng nhằm thể hiện sự sẵn sàng trừng phạt Taliban nếu như lực lượng này “vượt quá giới hạn”. Ở đây, Nga vừa thể hiện là “anh cả” của khu vực trong vấn đề an ninh vừa lộ rõ bản chất thực dụng trong chiến lược xây dựng quan hệ Taliban, phong trào Hồi giáo mà Mát-xcơ-va vẫn coi là tổ chức khủng bố.

Binh sĩ Nga tham gia cuộc tập trận với binh sĩ Tajikistan. Ảnh: NYT

Binh sĩ Nga tham gia cuộc tập trận với binh sĩ Tajikistan. Ảnh: NYT

Chủ nghĩa thực dụng

Trong khi sự rút lui của Mỹ khỏi Afghanistan là một chiến thắng về mặt tuyên truyền của Mát-xcơ-va trên quy mô toàn cầu, thì sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lại là minh chứng cho chiến lược xây dựng quan hệ ngoại giao kéo dài nhiều năm của Nga với Taliban.

Khi mà các nhà ngoại giao phương Tây tháo chạy khỏi thủ đô Kabul, các quan chức Nga đã ở lại tại đại sứ quán của mình với sự đảm bảo an ninh của Taliban. “Nga không sơ tán sứ quán tại Kabul mà giữ liên lạc với Taliban và theo dõi diễn biến. Quan điểm của Mát-xcơ-va là không cần biết ai nắm quyền ở Kabul, mà là liệu chính quyền mới có ngăn được chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan ra Trung Ðông hay không” - Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Mát-xcơ-va, cho hay.

Quan điểm trên cũng lý giải tại sao chính quyền Tổng thống Vladimir Putin vốn luôn coi chống khủng bố là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình lại nhanh chóng muốn bình thường hóa với Taliban như vậy. Ðến nay, Nga đã tham gia nhiều vòng đàm phán với Taliban dù Mát-xcơ-va đã liệt phong trào này vào danh sách các tổ chức khủng bố bị cấm hợp tác với Nga. “Ðó là chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hoài nghi và suy nghĩ kép” - Arkady Dubnov, nhà chính trị học người Nga và chuyên gia về Trung Á, nói về chiến lược của Chính phủ Nga trong việc xây dựng mối quan hệ với Taliban.

Thay ô an ninh Mỹ?

Ðối với Mát-xcơ-va, mục tiêu của họ là lan rộng sức ảnh hưởng ở Afghanistan, từ đó tiến ra toàn Trung Ðông. Thất bại của Mỹ sau 20 năm nỗ lực xây dựng chính quyền tại Afghanistan được xem là cơ hội giúp Nga tái xác lập vị thế trong khu vực.

Trong khi đó, khi các nỗ lực quân sự của Mỹ đi xuống, ảnh hưởng chính trị của Washington cũng bị ảnh hưởng theo. Vì thế, dù chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định sẽ sớm cung cấp viện trợ và vaccine COVID-19 cho 4 trong số 5 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ (Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan) để đổi lại các nước này sẽ tiếp nhận một phần trong số 9.000 người tị nạn Afghanistan, nhưng đến nay Mỹ không nhận bất kỳ cái gật đầu nào.

Dù Tajikistan vui vẻ nhận tiền viện trợ và vaccine nhưng vẫn từ chối nhận người tị nạn. Trái lại gần đó, xe tăng và thiết giáp của Nga chạy ầm ầm dọc theo các tuyến đường tại khu vực mà Tajikistan không cho phép Mỹ tiếp cận trong quá trình rút quân. Ðáng chú ý, chính giới lãnh đạo Nga là những người khiến cho 2 sáng kiến của chính quyền ông Biden tại khu vực bị “xếp xó”, một về người tị nạn Afghanistan và một về viện trợ an ninh.

Trong khi đó, tại một hội nghị ở thủ đô Tashkent (Uzbekistan) hồi tháng 7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông đã thảo luận với lãnh đạo các nước Trung Á về yêu cầu của Mỹ nhằm chuyển khí tài quân sự của Washington sang nước họ sau khi rút quân. Tuy nhiên, không đồng minh nào của Mát-xcơ-va muốn lãnh thổ và cư dân của họ gặp phải rủi ro khi chấp nhận hợp tác với Mỹ.

“Nga có thể nhanh chóng khôi phục vị thế của mình ở Trung Á. Nước này sẽ đặt chiếc ô an ninh của mình lên thay thế chiếc ô của Mỹ đang biến mất” - Andrei Serenko, phóng viên chuyên viết về các vấn đề Afghanistan của nhật báo Nezavisimaya Gazeta (Nga), đánh giá về vai trò an ninh của Nga tại Trung Á trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn sự “sụp đổ” ở Afghanistan sau khi lực lượng Taliban tiếp quản quyền kiểm soát tại quốc gia Tây Nam Á này. Tại buổi họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Mát-xcơ-va hôm 20-8, ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn các phần tử khủng bố từ Afghanistan xâm nhập các nước trong khu vực, kể cả dưới hình thức tị nạn. Ông đồng thời lên tiếng phản đối việc áp đặt “các giá trị bên ngoài” lên Afghanistan vốn đang chìm trong xung đột.

TRÍ VĂN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết