ÐỨC TRUNG
Phần lớn cử tri Belarus hôm 27-2 đã đi bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi hiến pháp, loại bỏ các điều khoản về tình trạng “phi hạt nhân hóa” và “trung lập” của nước này; đồng thời cho phép Tổng thống Alexander Lukashenko, người đã nắm quyền suốt 28 năm qua, tiếp tục ứng cử thêm 2 nhiệm kỳ và được miễn truy tố suốt đời sau khi rời nhiệm sở.

Tổng thống Lukashenko (trái) trong chuyến thăm Mát-xcơ-va ngày 19-2-2022 đã cùng ông Putin xem buổi diễn tập bắn tên lửa đạn đạo từ Phòng tình huống của Điện Kremlin. Ảnh: AFP
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus Igor Karpenko cho biết 65,16% cử tri tham gia trưng cầu dân ý đã bỏ phiếu ủng hộ các sửa đổi, còn tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 78,63%. Theo quy định, các sửa đổi cần nhận được ít nhất 50% số phiếu ủng hộ, tỷ lệ cử tri đủ điều kiện đi bầu cũng phải hơn 50%. Như vậy, kết quả trên đồng nghĩa hiến pháp mới đã được người dân Belarus tán thành và chờ các cơ quan lập pháp thông qua và Tổng thống Lukashenko phê chuẩn trước khi có hiệu lực thi hành. Phương Tây tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu và tiếp tục cáo buộc Belarus tham gia tấn công Ukraine cùng Nga.
Tiếp nhận vô điều kiện
Hãng tin Reuters cho biết việc Belarus từ bỏ tình trạng “phi hạt nhân hóa” có thể mở đường cho vũ khí hạt nhân xuất hiện trở lại Belarus, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô (cũ) tan rã năm 1991. Belarus từng nhận được một số đầu đạn hạt nhân của Liên Xô (cũ) sau sự tan rã năm 1991. Theo tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân, chính quyền Belarus sau đó chuyển vũ khí hạt nhân cho Nga và duy trì tình trạng là nước không có vũ khí hạt nhân trong 30 năm qua.
Phát biểu hôm 27-2, Tổng thống Lukashenko tuyên bố: “Nếu phương Tây chuyển vũ khí hạt nhân cho Ba Lan hoặc Litva, tới biên giới của chúng tôi, tôi sẽ yêu cầu ông (Vladimir) Putin trả lại các vũ khí hạt nhân mà Minsk từng cho đi mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào”.
Phát biểu của ông Lukashenko diễn ra cùng lúc Tổng thống Nga Putin đặt lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược vào tình trạng cảnh giác cao, với lý do phương Tây cấm vận và có những “phát biểu hung hăng” nhằm vào Nga.
Sát cánh cùng Nga
Trong khi đó, việc Belarus từ bỏ quy chế “trung lập” có thể cho phép Minsk trực tiếp tham gia cuộc chiến chống Kiev do Mát-xcơ-va phát động. Belarus đã trở thành bệ phóng tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine sau một cuộc tập trận chung. Belarus phủ nhận binh sĩ nước này đang tham chiến tại Ukraine nhưng để ngỏ khả năng đó nếu cần thiết. Một quan chức Mỹ hôm 27-2 cho hay Belarus đã sẵn sàng đưa quân sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến tại nước láng giềng Ukraine.
Trong vai trò “trung lập” trước đây của Belarus, Tổng thống Lukashenko tìm mọi cách cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây. Vì thế, trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine năm 2014, ông Lukashenko và Belarus trở thành trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình dẫn đến thỏa thuận Minsk sau đó.
Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 gây tranh cãi với những cuộc biểu tình và bạo lực dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Tổng thống Lukashenko trở lại dựa hẳn vào đồng minh thân cận Putin nhằm tranh thủ các khoản vay và nguồn cung năng lượng giá rẻ của Nga trước những khó khăn kinh tế chồng chất của Belarus.