Ðau nhức xương khớp là một trong những dấu chứng điển hình của tuổi già do quá trình loãng xương. Tuy nhiên, người bệnh thường ái ngại khi dùng thuốc tây y điều trị kéo dài, sợ những tác dụng phụ và biến chứng. Với những trường hợp này, kết hợp đông - tây y được xem là giải pháp hữu hiệu, vừa có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ vừa điều trị loãng xương. Các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền (YHCT) lưu ý, người bệnh cần được chẩn mạch kê đơn, chứ không nên tùy tiện dùng thuốc.

Các bài tập vận động phù hợp giúp lưu thông khí huyết, bồi bổ xương cốt.
Mới đây, trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề Ðiều trị và dự phòng loãng xương bằng YHCT, Thạc sĩ Bác sĩ (BS) Lê Thị Mỹ Tiên, Khoa Y học cổ truyền Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ đã chia sẻ nhiều kiến thức xoay quanh cơ chế bệnh sinh, các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương nói riêng, các vấn đề xương khớp nói chung khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa.
Theo BS Mỹ Tiên, hệ thống xương khớp của con người biến chuyển theo từng giai đoạn cuộc đời, liên quan đến 2 quá trình diễn ra song song là tạo xương và hủy xương. Giai đoạn đầu, thời tuổi trẻ, xương liên tục phát triển dài ra, cứng cáp, dẻo dai, do quá trình tạo xương diễn ra mạnh mẽ hơn quá trình hủy xương. Tuy nhiên, vào tuổi trung niên, 2 quá trình này đảo chiều, cơ chế hủy xương mạnh hơn tạo xương khiến mật độ xương suy giảm, làm giảm sức mạnh của hệ xương, tiềm ẩn nguy cơ gãy xương. Tình trạng này thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt. Một số người gặp cảm giác “đau trong xương”, ở những vị trí chịu lực của cơ thể như xương đùi, cột sống thắt lưng hay xương chậu. Ở người cao tuổi, hình dáng cột sống biến dạng theo kiểu gù, vẹo do tình trạng loãng xương khiến các đốt sống lún, xẹp, làm giảm chiều cao cơ thể. Một dấu hiệu khác là tình trạng mất răng, hư răng cũng liên quan đến loãng xương. Bệnh lý này xảy ra ở hầu hết người già, tuy nhiên, biểu hiện sớm hơn ở nữ giới, thời điểm kết thúc độ tuổi sinh, bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, khoảng 49-50 tuổi.
Theo YHCT, cơ thể con người có 5 tạng: tâm (tim), tỳ (lách), phế (phổi), can (gan), thận (cật). Loãng xương liên quan trực tiếp đến tạng thận, là bệnh lý đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương và suy yếu cấu trúc xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Các nguyên nhân gây nên tình trạng loãng xương có thể do di truyền từ cha mẹ nên cơ thể sinh ra đã có hệ xương yếu hơn người bình thường; lối sống không điều độ như ít vận động hoặc làm việc quá sức khiến khí huyết không lưu thông, ảnh hưởng đến sự bồi dưỡng xương cốt; chế độ ăn thiếu dưỡng chất, tiêu thụ nhiều thức ăn làm suy yếu tì vị, ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng cho xương. Ngoài ra, quá trình lão hóa, tuổi tác càng cao thì các chức năng tạng càng suy giảm, nhất là thận, nguy cơ dẫn đến loãng xương càng cao.
YHCT có nhiều phương pháp để điều trị cũng như phòng ngừa tình trạng loãng xương. Trước hết, cần tác động vào thận tinh với các phương pháp bổ khí huyết, bổ thận tinh thông qua các chế độ dùng thuốc, dinh dưỡng và vận động. Xương có cấu tạo thành phần chính là canxi, vì vậy, khi loãng xương, cần bổ sung canxi, các thực phẩm có đạm và các vị thuốc có tác dụng bổ thận, dưỡng cốt tủy hay các bài thuốc bổ khí huyết. Tuy nhiên, các bài thuốc dành cho các thể tạng khác nhau nên khi sử dụng cần có chỉ định của cán bộ y tế chuyên khoa YHCT. Sữa và các chế phẩm từ sữa cũng được khuyến cáo để cung cấp canxi. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hằng ngày cũng giúp cơ thể hấp thu vitamin D để tổng hợp canxi giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, có thể uống viên canxi. Các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu cũng có tác dụng hỗ trợ khí huyết lưu thông, bổ khí huyết, làm mạnh xương cốt.
Chế độ vận động, tập luyện, tùy theo độ tuổi và thể trạng, có hiệu quả thúc đẩy quá trình tạo xương, để xương chịu tải tốt hơn, chậm tiến trình lão hóa. Việc tập luyện chia làm 2 dạng: những bài tập nhằm tạo ra sức chịu lực lên cơ thể, với các động tác dưỡng sinh, tập gậy, xuống tấn, giúp dồn lực xuống xương để thúc đẩy quá trình tạo xương. Người cao tuổi đã mắc bệnh loãng xương có các bài tập nhẹ nhàng hơn, giúp cơ linh hoạt, khớp nhanh nhẹn, dẻo dai.
Bác sĩ khuyến cáo, người có nguy cơ loãng xương, bệnh nhân loãng xương cần đặc biệt chú ý vấn đề gãy xương. Trước hết, hạn chế các nguy cơ té ngã bằng cách thường xuyên tập luyện giữ thăng bằng. Ðối với người cao tuổi, thường mắc các bệnh, tật về mắt như đục thủy tinh thể, hạn chế tầm nhìn. Các cụ cần được điều trị bệnh mắt, cải thiện thị lực, quan sát tốt, tránh té ngã. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường sống, không gian thông thoáng, đủ ánh sáng và loại bỏ chướng ngại vật. Những khu vực có nguy cơ cao bị té ngã như sàn nước, nhà tắm, cần trang bị phù hợp với người cao tuổi. Khi đi lâu, đứng lâu, cần các thiết bị hỗ trợ như đai lưng, giúp cột sống chịu lực vững hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc điều trị bệnh lý loãng xương kết hợp tây y với YHCT cần có sự thăm khám để kê đơn và điều trị đúng thể lâm sàng. Người bệnh không nên tự mua thuốc đông y về sắc uống, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG