(CTO) Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ có nhiều bác sĩ là người Khmer. Họ đa phần xuất thân từ làng quê các tỉnh miền Tây, ôm ấp giấc mơ trên con đường tri thức, nỗ lực học hành và cuối cùng trở thành thầy thuốc như ước nguyện. Các bác sĩ cho biết, ở vị trí công tác hiện tại, mỗi ngày họ đều tự nhủ không ngừng cố gắng nâng cao trình độ, năng lực, tích lũy kinh nghiệm để có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người bệnh trong vùng, bao gồm bà con người dân tộc Khmer.
Ước nguyện của cha
BS Thạch Thị Vui quê ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Gia đình cô có 5 anh chị em, trong đó có đến 4 người công tác ngành y. BS Vui kể, sinh thời cha cô thường nhắc về ước mơ dang dở trở thành bác sĩ, do đất nước chiến tranh, cuộc sống nhiều khó khăn. Vì thế, các anh em của cô đều cố gắng học hành, lần lượt từng người tự nguyện thực hiện ước muốn của cha.

BS Thạch Thị Vui luôn mong muốn cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Sau tốt nghiệp đại học, BS Vui xin vào BV Đa khoa TP Cần Thơ và gắn bó với Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, đến nay hơn 6 năm. BS Vui chia sẻ, môi trường làm việc tại khoa tốt, đồng nghiệp luôn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau.
Những ngày đầu chính thức đi làm, cô bác sĩ trẻ có nhiều bỡ ngỡ dù đã trải qua 6 năm ở giảng đường y khoa. Khi đó, cô dần học hỏi đồng nghiệp đi trước, từ khâu thăm khám, xử trí các bệnh từ nhẹ tới nặng, kể cả cách tư vấn cho bệnh nhân và người nhà để họ yên tâm, tin cậy và hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị.
Trong số các mặt bệnh phổ biến tại khoa, lượng bệnh đột quỵ ngày càng nhiều và trẻ hóa, đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài. Khi tiếp nhận các ca đột quỵ, BS Vui và đồng nghiệp luôn cố gắng đưa ra những chẩn đoán chính xác, còn hay không còn thời gian vàng để can thiệp, chuyển bệnh lên tuyến trên hay tiếp nhận bệnh nhân để điều trị.
Với những ca bệnh nặng, BS Vui luôn giữ liên lạc với người nhà bệnh nhân và kết nối với tuyến trên để theo dõi diễn tiến sức khỏe và kết quả điều trị của bệnh nhân, từ đó rút kinh nghiệm trong phác đồ điều trị cho những bệnh nhân khác. BS Vui mong muốn, thời gian tới tiếp tục được học tập, nâng cao trình độ, năng lực để có những chẩn đoán, quyết định đúng đắn, giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời, hiệu quả.
Dù đã dày dặn kinh nghiệm với 6 năm thâm niên trong nghề, BS Vui vẫn còn nguyên sự nhạy cảm trước tình cảnh người bệnh đau đớn, lo lắng vì bệnh tật. Cô kể, thời sinh viên, lần đầu tiên cô bật khóc nức nở khi chứng kiến bệnh nhân là cụ ông bị khối u gan to trước ranh giới sinh - tử mong manh. Khi đó, các đồng nghiệp tư vấn cho người nhà cụ về tình trạng khối u có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào và ông cụ sẽ ra đi nhanh chóng, trong khi cụ vẫn tỉnh táo, không có vẻ gì sắp từ giã cuộc đời mãi mãi.
BS Vui bộc bạch, từ bấy đến nay, cô vẫn thường xuyên xúc động trước những bệnh nhân mình cố gắng điều trị nhưng họ không qua khỏi. Mấy năm trước, cha cô bệnh nặng, nằm viện tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, BS Vui vừa là bác sĩ, vừa là người nhà bệnh nhân, đã điều trị, chăm sóc cho cha.
“Tôi đã cấp cứu cho biết bao nhiêu người khỏi cơn nguy kịch, nhưng không thể chữa khỏi bệnh cho cha mình. Mỗi lần nhớ lại, tôi lại cảm thấy đau lòng”, BS Vui tâm sự. Chính vì thế, cô đã không ngừng cố gắng, tận tâm điều trị, chăm sóc bệnh nhân bằng sự thấu cảm dành cho cả bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Bên cạnh năng lực chuyên môn, BS Vui cũng liên tục cập nhật các kiến thức pháp luật trong lĩnh vực y tế để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bệnh nhân BHYT. Trong hội thi Thầy thuốc vững kiến thức pháp luật của BV tổ chức, BS Vui đã xuất sắc đạt giải Nhì.
BS Vui cho biết, trong quá trình khám chữa bệnh, bất kể là người bệnh khá giả hay khó khăn, cô đều đối xử công bằng và ưu tiên sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư trong danh mục BHYT để tiết kiệm tối đa chi phí cho bệnh nhân. Một số trường hợp bày tỏ sự cảm ơn hoặc mong muốn được quan tâm nhiều hơn bằng cách đưa phong bì cho bác sĩ, nhưng BS Vui kiên quyết từ chối. Với cô, niềm vui giản đơn và quý giá nhất của người bác sĩ chính là bệnh nhân khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe, trở về với cuộc sống gia đình.
Blouse trắng tự hào

BS CKI Danh Chanh Đa tư vấn cho người nhà bệnh nhân.
Đêm trực hôm trước, BS CKI Danh Chanh Đa (44 tuổi, quê ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) kết thúc ca mổ cấp cứu gần 2h sáng. Bệnh nhân là một nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) té trong nhà tắm bị gãy xương đùi, được người nhà đưa đến BV Đa khoa quận rồi chuyển viện đến BV Đa khoa TP Cần Thơ. BS Chanh Đa và đồng nghiệp Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng chỉ định mổ cho bệnh nhân ngay trong đêm.
BS Chanh Đa cho biết, nếu chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ cao hư chỏm xương, ảnh hưởng chức năng vận động. Đây là một ca mổ khó, phẫu thuật viên không mở rộng vết mổ mà thực hiện qua hướng dẫn của máy X-quang, kết hợp xương bằng con vít qua da, giúp bệnh nhân mau hồi phục, ít biến chứng. Tuy nhiên, để thực hiện ca mổ đòi hỏi ê-kíp có trình độ và kinh nghiệm, thực hiện thao tác chính xác. Sáng sớm hôm sau, BS Chanh Đa đến buồng bệnh kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau mổ và tư vấn cho người thân chăm sóc, theo dõi sức khỏe bệnh nhân.
BS Chanh Đa cho biết, anh đã gắn bó với Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng BV Đa khoa TP Cần Thơ từ năm 2011 đến nay. Tại ngôi nhà chung này, anh và các đồng nghiệp từng bước phát triển với mong muốn ngày càng cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên khoa từ cơ bản đến chuyên sâu như phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật nội soi, những kỹ thuật về chuyên sâu vi phẫu…
Hiện tại, Khoa có 45 giường bệnh và gần 20 bác sĩ, với phần lớn bác sĩ có trình độ sau đại học. Trung bình mỗi tháng, Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng thực hiện khoảng 100 ca phẫu thuật, trong đó, BS Chanh Đa thực hiện khoảng 10-15% trong tổng số ca. Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng BV Đa khoa TP Cần Thơ thường xuyên kết nối với các đơn vị y tế tuyến trên để cập nhật kiến thức mới và kinh nghiệm giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
BS Chanh Đa chia sẻ, bản thân anh cũng luôn cố gắng cải thiện năng lực, học hỏi kinh nghiệm từ công việc hàng ngày, từ đồng nghiệp, tham gia các khóa đào tạo ngắn và dài hạn ở các cơ sở đào tạo chính quy khác.
Ngoài ra, thời gian qua, BS Chanh Đa cùng đồng nghiệp tập trung nghiên cứu về các phương pháp trong phẫu thuật kết hợp xương với mục đích lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp, vừa hiệu quả, an toàn cho bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tiết kiệm chi phí.
Mong muốn hiện tại của BS Chanh Đa là những khó khăn về cơ sở vật chất, vật tư y tế của BV được tháo gỡ để các bác sĩ thuận lợi trong công tác chuyên môn, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT. Bên cạnh đó, bác sĩ tiếp tục được đào tạo, nâng cao trình độ để triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn trong lĩnh vực ngoại chấn thương.
BS Chanh Đa tâm sự, anh rất tự hào khi được khoác áo blouse, đem kiến thức, hiểu biết của bản thân chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Anh luôn tự nhủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp nhiều người bệnh thoát khỏi đau đớn do bệnh tật. Nụ cười, niềm vui hồi phục sức khỏe của bệnh nhân là món quà tinh thần lớn lao của người thầy thuốc.
BS CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, BS CKI Danh Chanh Đa và BS Thạch Thị Vui đều là những bác sĩ có năng lực chuyên môn vững vàng, tinh thần phấn đấu tốt và luôn nhiệt tình tham gia các phong trào của BV.
Thời gian qua, BV tạo cơ hội đồng đều giữa các nhân viên về cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức để đủ điều kiện phát triển bản thân. BV đã tạo dựng môi trường làm việc tốt cho tất cả các nhân viên, bao gồm cả nhân viên người dân tộc Khmer, cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao về sự đóng góp của mình.
Hiện BV có 23 nhân viên là người dân tộc Khmer, trong đó một số nắm giữ vị trí lãnh đạo các khoa, phòng. BV rất mong muốn mỗi cán bộ, viên chức, người lao động người dân tộc Khmer nói riêng và nhân viên BV nói chung luôn nỗ lực phấn đấu, đưa BV bắt kịp nhịp độ phát triển của ngành y, trở thành địa chỉ uy tín, có chất lượng để người nhà, bà con, quê hương được tự hào khi nhắc đến tên BV, tên chính mình.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG