17/09/2019 - 18:01

Nga lấy Saudi Arabia “nói kháy” Mỹ 

Sau khi “rủ rê” Mỹ mua vũ khí hiện đại của Nga cách đây không lâu, Tổng thống Vladimir Putin lại vừa chào mời đồng minh thân cận của Washington là Saudi Arabia mua hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Mát-xcơ-va.

Ba vị tổng thống Nga, Thổ và Iran (từ phải sang) tại hội nghị thượng đỉnh hôm 16-9. Ảnh: Tehran Times

Lãnh đạo Nga cho biết Mát-xcơ-va sẵn sàng giúp Riyadh tăng cường năng lực phòng vệ, đặc biệt sau vụ tấn công hai cơ sở lọc dầu hôm 14-9 khiến ngành năng lượng quốc gia Trung Đông thiệt hại nghiêm trọng. Tổng thống Putin mô tả mua S-400 sẽ là quyết định “sáng suốt” của Saudi Arabia, cũng giống như Iran đã mua S-300 hay Thổ Nhĩ Kỳ trang bị S-400. “Những khí tài này sẽ bảo vệ hiệu quả bất kỳ cơ sở hạ tầng nào của Saudi Arabia” – chủ nhân Điện Kremlin cam kết.

Đề nghị của Tổng thống Putin thoạt nghe không có gì lạ bởi Nga từ lâu xác định Trung Đông là thị trường xuất khẩu vũ khí vô cùng quan trọng. Vấn đề ở đây là lời chào mời được ông Putin đưa ra khi đang dự hội nghị về Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Trong khi Iran bị Mỹ cáo buộc đứng sau vụ tấn công cuối tuần rồi thì Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu năm của Mỹ. Nhưng quan hệ hai nước đang rạn nứt khi Ankara quyết “tậu” S-400 bất chấp cảnh báo trừng phạt từ Washington.

Ngoài những gút mắc kể trên, nhiều người cho rằng đề nghị của ông Putin thực chất đang “nói kháy” Mỹ hơn là nhắm tới khả năng bán vũ khí cho Saudi Arabia. Được Nga đem “trấn giữ” ở Syria, tổ hợp S-400 thu hút sự quan tâm đáng kể từ các cường quốc khu vực có mối quan hệ chặt chẽ với Washington. Bằng chứng là ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia cũng từng tỏ ý quan tâm mua S-400 nhưng sau cùng quyết định chọn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Trong khi đó, trên Vịnh Persic, Lầu Năm Góc triển khai mạng lưới khí tài quân sự rộng lớn bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nhằm ngăn Iran với Saudi Arabia và các đồng minh trên Bán đảo Arab. Nhưng lợi hại đến đâu, những vũ khí này thực chất đã “bó tay” khi không phát hiện và ngăn chặn được các thiết bị không người lái được cài bom tấn công vào sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia hôm 14-9.

Vụ việc không chỉ gây thiệt hại ngành năng lượng nước này mà còn khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả nền tảng khí tài quân sự của quốc gia Trung Đông khi Riyadh năm ngoái chi tới 83 tỉ USD cho quốc phòng, so với ngân sách 45 tỉ USD của Nga và 20 tỉ USD của đối thủ Iran. Ngoài ra, theo giáo sư về chính trị Trung Đông Fawaz A. Gerges, điều gây thắc mắc nữa là đã có chuyện gì xảy ra với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ?

Có thể nhìn ra được ẩn ý này, nên cả Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đều bật cười trước câu “nói kháy” của ông Putin khi đề nghị Riyadh mua S-400. Mặt khác, với diễn biến tại khu vực cùng phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các sự kiện liên quan, giới quan sát cho rằng chủ nhân Điện Kremlin đang sử dụng tốt cơ hội phơi bày ảnh hưởng giảm dần của Washington ở Trung Đông cũng như sự lẻ loi của ông Trump trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

 

Chia sẻ bài viết