15/09/2020 - 19:22

Nga “giải cứu” tổng thống Belarus 

Trong chuyến thăm Nga hôm 14-9, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Putin (phải) tiếp đón người đồng cấp Belarus Lukashenko hôm 14-9. Ảnh: Aljazeera

Tại cuộc hội đàm kéo dài 4 tiếng, Tổng thống Putin cam kết thực hiện tất cả các thỏa thuận hợp tác với Belarus, bao gồm trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Nhà nước Liên minh. Ông cũng nhắc lại Nga vẫn là nhà đầu tư lớn nhất đối với Belarus và Mát-xcơ-va sẽ thực hiện thỏa thuận cung cấp khoản vay trị giá 1,5 tỉ USD dành cho nước láng giềng để giúp tránh cuộc khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chủ nhân Ðiện Kremlin nhấn mạnh người dân Belarus cần tự giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay thông qua đối thoại với nhau mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài.

Sau cuộc gặp trên, phát ngôn viên Ðiện Kremlin Dmitry Peskov thông tin thêm rằng Mát-xcơ-va và Minsk sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày tại Belarus (khai mạc trong tuần này), với sự tham gia của lính nhảy dù Nga. Chưa hết, binh sĩ Nga và Belarus được cho sẽ tiến hành những cuộc tập trận chung hằng tháng. Cũng liên quan đến quân sự, lãnh đạo hai nước đã nhất trí Nga sẽ rút lực lượng dự bị vốn được triển khai ở biên giới với Belarus hồi tháng trước để có thể can thiệp khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ông Lukashenko “xuống nước”

Khi hội đàm, Tổng thống Lukashenko, người đã nắm quyền 26 năm, thông báo với ông Putin về ý định sửa đổi Hiến pháp nhằm xoa dịu phe đối lập và nhận được sự tán thành từ lãnh đạo xứ bạch dương. Kể từ khi biểu tình bắt đầu nổ ra, ông Lukashenko lập luận rằng sửa đổi Hiến pháp là cách phản ứng trước những lời kêu gọi thay đổi xã hội, mặc dù kế hoạch này vẫn chưa làm hài lòng phe đối lập.

Ông Lukashenko từng tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp vào năm 1996, trao cho tổng thống quyền hạn lớn hơn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán, gồm cả chánh án Tòa án Hiến pháp. Một cuộc trưng cầu dân ý khác về sửa đổi hiến pháp diễn ra vào năm 2004, cho phép tổng thống giữ chức ba nhiệm kỳ thay vì hai như trước đây.

Giờ đây, chính khách 66 tuổi thừa nhận muốn tổ chức trưng cầu dân ý về những cải cách, trong đó đề xuất giảm quyền hạn của tổng thống trong việc chỉ định các thẩm phán. Dù vậy, ông cũng khẳng định việc quay trở lại Hiến pháp năm 1994 theo ý muốn của phe đối lập sẽ không đưa đất nước 9,5 triệu dân này tiến lên.

Sự kiện hôm 14-9 đánh dấu chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Lukashenko kể từ khi biểu tình ở Belarus bùng nổ một tháng qua. Trước đó một ngày, hơn 100.000 người đã xuống đường ở thủ đô Minsk tiếp tục đòi ông Lukashenko từ chức, buộc cảnh sát chống bạo động phải sử dụng đến vòi rồng. Bộ Nội vụ Belarus thông báo 774 người đã bị tạm giữ.

Làn sóng biểu tình nổ ra sau khi ông Lukashenko hồi đầu tháng 8 tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập trong nước và Liên minh châu Âu (EU) không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.

Bộ Quốc phòng Belarus hôm 15-9 khẳng định họ không loại trừ khả năng sử dụng “biện pháp vũ lực” đối với những mối đe dọa quân sự, theo Hãng tin TASS. Bộ này nêu rõ bất cứ sự đe dọa nào cũng sẽ vấp phải phản ứng trong khuôn khổ CSTO, đồng thời cáo buộc nhiều quốc gia láng giềng đang tìm cách phá hoại quan hệ Belarus - Nga.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Aljazeera)

Chia sẻ bài viết