20/02/2021 - 09:12

NATO “tiến thoái lưỡng nan” ở Afghanistan 

Sau 20 năm can thiệp quân sự và tiêu tốn cả ngàn tỉ USD, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) vẫn phải đối mặt với câu hỏi vô cùng hóc búa và dường như không có câu trả lời, đó là làm thế nào để rút quân khỏi Afghanistan mà không khiến quốc gia Nam Á này một lần nữa rơi vào tình trạng hỗn loạn, trong bối cảnh bạo lực tại đây ngày càng gia tăng.

Binh sĩ NATO tại Afghanistan. Ảnh: AP

Theo trang web chính thức của NATO, khoảng 9.600 quân hiện đang đồn trú ở Afghanistan, gồm 2.500 binh sĩ Mỹ. Ngày 18-2, trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết liên minh đã “không có quyết định cuối cùng” về tương lai nhiệm vụ của tổ chức này tại Afghanistan.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét lại thỏa thuận người tiền nhiệm Donald Trump ký kết với Taliban hồi năm ngoái mà theo đó, Mỹ cam kết rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 1-5. AP cho biết, giới chức nhiều nước đã kêu gọi Washington trì hoãn hoặc đàm phán lại thỏa thuận nhằm cho phép lượng nhỏ binh sĩ xứ cờ hoa tiếp tục hiện diện ở Afghanistan, giữa lúc Taliban nắm quyền kiểm soát hơn một nửa đất nước và không ngừng tạo xung đột với Chính phủ Afghanistan, ngay cả sau khi diễn ra các cuộc hòa đàm ở Qatar hồi năm ngoái.

Nhiều chỉ dấu bất ổn an ninh

Taliban không chỉ thể hiện sức mạnh riêng mà còn hợp lực với tổ chức khủng bố quốc tế khét tiếng một thời al-Qaeda, đi ngược lại thỏa thuận được ký kết với Washington. Taliban thậm chí còn cho phép các tay súng al-Qaeda tiến hành huấn luyện ở Afghanistan, theo Bộ Tài chính Mỹ. Ước tính, có khoảng 200-500 tay súng al-Qaeda đang hoạt động trên khắp Afghanistan. Edmund Fitton-Brown, điều phối viên của ủy ban Liên Hiệp Quốc chuyên trách Taliban và các nhóm khủng bố tại Afghanistan, nhận định hiện có mối quan hệ rõ ràng và gần gũi giữa Taliban và al-Qaeda. Thậm chí, ông Fitton-Brown khẳng định: “Chúng tôi tin rằng lãnh đạo hàng đầu của al-Qaeda vẫn nằm dưới sự bảo vệ của Taliban”.

Một số báo cáo từ các khu vực dưới sự kiểm soát của Taliban cho hay lực lượng này còn thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo Sharia hà khắc. Dù cho phép trẻ em gái đến trường nhưng chương trình giảng dạy dành cho cả nam và nữ dường như chủ yếu tập trung vào tôn giáo và có rất ít bằng chứng cho thấy sự tiến bộ của phụ nữ ở các khu vực nông thôn.

Ðáng lo ngại, các lãnh chúa Afghanistan, gồm một số người bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, đang tích lũy quyền lực và của cải. Trong bối cảnh quân đội nước ngoài đang dần rút khỏi Afghanistan, các nhà hoạt động và người dân địa phương lo ngại rằng các lãnh chúa này sẽ tạo ra đợt giao tranh khác, tương tự như cuộc đổ máu trong giai đoạn 1992-1996, cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người, chủ yếu là dân thường và phá hủy phần lớn thủ đô Kabul.

Trong khi đó, nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan trở nên bạo lực hơn. Các cuộc tấn công của chúng ngày càng táo bạo và gia tăng về tần suất.

Không có giải pháp nào dễ dàng

Bên cạnh bất ổn an ninh, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ nghèo đói tại Afghanistan đã tăng từ mức 55% năm 2019 lên 72% năm 2020, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 23,9% lên 37,9%. Ðáng lo ngại, 2/3 người dân Afghanistan đang sống với chưa tới 1,9 USD/ngày.

Giữa muôn trùng khó khăn, giới phân tích cho rằng sẽ không có giải pháp dễ dàng nào cho tình trạng ngày càng xấu đi của Afghanistan, bất kể NATO ở lại hay rút quân khỏi nước này. Một số chuyên gia cho rằng NATO và Mỹ nên gửi thông điệp mạnh mẽ hơn về hòa bình cho tất cả các bên trong cuộc xung đột kéo dài. Torek Farhadi, nhà phân tích chính trị từng làm cố vấn cho Chính phủ Afghanistan, cảnh báo: “Thiếu vắng giải pháp chính trị, Afghanistan sẽ lao vào một cuộc nội chiến gay gắt hơn và đất nước này tiềm ẩn bị chia cắt trong thời gian dài”.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết