31/01/2023 - 10:20

NATO thúc đẩy quan hệ với các đồng minh châu Á 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đang có mặt tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á kéo dài 4 ngày, nhằm mục đích tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực và thể hiện sự ủng hộ của liên minh quân sự này trước những thách thức an ninh do Trung Quốc và Triều Tiên đặt ra trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Stoltenberg (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin trong cuộc gặp hôm 29-1 tại Seoul. Ảnh: AFP

Trước khi sang Nhật Bản, ông Stoltenberg đã đến thăm Hàn Quốc và có các cuộc gặp với Tổng thống Yoon Suk-yeol, Ngoại trưởng Park Jin và Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey ở thủ đô Seoul  ngày 30-1, ông Stoltenberg cảm ơn Hàn Quốc vì đã viện trợ phi sát thương cho Ukraine, đồng thời kêu gọi xứ kim chi tăng cường hỗ trợ quân sự cho nước này, bởi nhiều nước đã thay đổi chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước xung đột sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. “Tôi kêu gọi Hàn Quốc tiếp tục và đẩy mạnh vấn đề hỗ trợ quân sự. Việc hỗ trợ Ukraine hay không là quyết định của bạn nhưng tôi có thể nói rằng một số đồng minh của NATO từng có chính sách không bao giờ xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia đang xảy ra xung đột hiện đã thay đổi chính sách đó” - ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Theo Reuters, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận cung cấp hàng trăm xe tăng, máy bay cũng như nhiều loại vũ khí khác cho Ba Lan, một thành viên của NATO, kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine nhưng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố Seoul sẽ không cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột, khiến cho việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine gặp nhiều khó khăn. Theo ông Stoltenberg, các quốc gia như Ðức, Thụy Ðiển và Na Uy có chính sách tương tự Hàn Quốc nhưng đến nay đã thay đổi. Người đứng đầu NATO nhấn mạnh “điều cực kỳ quan trọng” là không để Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này, bởi nó không chỉ cho người Ukraine mà còn tránh gửi đi thông điệp đến các nhà lãnh đạo thế giới, gồm cả Trung Quốc, rằng họ có thể đạt được những gì họ muốn bằng vũ lực. Dù Trung Quốc không phải là kẻ địch của NATO nhưng  ông Stoltenberg cho biết Bắc Kinh luôn là “ưu tiên hàng đầu” trong các kế hoạch của liên minh quân sự này.

Chuyến công du châu Á của ông Stoltenberg diễn ra chỉ ít lâu sau khi các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hồi cuối tháng 6 năm ngoái, thời điểm NATO trong một tài liệu chiến lược quan trọng xem Trung Quốc là “thách thức hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu - Ðại Tây Dương”. Một nhà phân tích giấu tên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng ở Tokyo cho rằng “NATO trong những tháng gần đây đã chú trọng hơn vào việc đào sâu và mở rộng hợp tác với các quốc gia ở khu vực Ðông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc”. Theo người này, ý định của NATO rõ ràng là củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia có cùng chí hướng.

Trong khi đó, Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc và Ðông Bắc Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa NATO, Hàn Quốc và Nhật Bản phản ánh “những lo ngại chung về việc xây dựng quân đội và tham vọng an ninh của Trung Quốc ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”. Theo ông Thomas, việc Hàn Quốc lập phái đoàn ngoại giao đầu tiên tại NATO hồi tháng 11 năm ngoái thể hiện “mối quan hệ sâu sắc hơn của nước này với NATO giống như hàng rào chống lại Trung Quốc”.

Trùng với chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Thư ký NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 30-1 cũng đã đến Seoul và có cuộc gặp với người đồng cấp Lee Jong-sup. Trong khi đó, phía Triều Tiên đã đưa phản ứng về chuyến công du châu Á của ông Stoltenberg, cho rằng đây là “khúc dạo đầu cho sự đối đầu và chiến tranh khi nó mang đến những đám mây đen của cuộc Chiến tranh Lạnh mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Chia sẻ bài viết