28/03/2014 - 09:14

NATO tăng cường hiện diện tại Đông Âu

Ukraina rút quân khỏi Crimea. Ảnh: AP

* Ukraina tăng 50% giá khí đốt

Tổng thống Mỹ Barack Obama sau cuộc họp với lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels ngày 26-3 cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Âu sau khi Nga tiến hành sáp nhập cộng hòa tự trị Crimea của Ukraina vào nước này. Theo giới chức Mỹ, Lầu Năm Góc sẽ tăng gấp đôi số máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra bầu trời của các quốc gia thành viên NATO ở vùng Baltic cũng như tăng cường huấn luyện với lực lượng Không quân Ba Lan như động thái trấn an đồng minh sau những diễn biến ở Ukraina. Về phía NATO, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen bày tỏ nhất trí với ý kiến của ông Obama về các biện pháp bổ sung để tăng cường sức mạnh quốc phòng giữa NATO và Mỹ, bao gồm việc cập nhật và phát triển kế hoạch phòng thủ, tăng cường diễn tập và có hành động triển khai phù hợp nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của liên minh ở những nước Trung và Đông Âu.

Trong khi đó tại Crimea, Điện Kremlin đang có kế hoạch bơm gần 3 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại khu vực này, đồng thời nhanh chóng tăng cường sự hiện diện các lực lượng vũ trang ở đây. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong chuyến thăm Crimea hồi đầu tuần cam kết sẽ chi 2,8 tỉ USD để cải thiện các căn cứ đã xuống cấp của Hạm đội biển Đen cùng hệ thống sân bay đổ nát, bến cảng và doanh trại quân đội thu giữ từ lực lượng Hải quân Ukraina. Phát biểu với các hãng tin trong nước hôm 26-3, giới quan chức quốc phòng Nga cho biết sẽ sớm nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự ở Crimea nhằm chuẩn bị cho kế hoạch triển khai máy bay ném bom tầm xa tại bán đảo này vào năm 2016 và một trong 2 tàu chiến lớp Mistral (Nga mua từ Pháp với giá 1,7 tỉ USD) vào năm 2017.

Ngày 26-3, chính phủ lâm thời Ukraina cho biết Kiev sẽ tăng giá bán khí đốt trong nước thêm 50% để đổi lấy gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Hiện tại, hơn phân nửa nguồn cung khí đốt ở Ukraina được chính phủ mua từ công ty Gazprom của Nga, sau đó bán lại cho người dân với giá rẻ hơn thị trường. Nhưng bắt đầu từ ngày 1-5, Kiev chấp nhận tăng mạnh giá khí đốt cung cấp cho các hộ gia đình. Đây là điều kiện chính mà IMF đưa ra buộc chính phủ lâm thời Ukraina đáp ứng nếu muốn nhận nguồn tiền giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách và chi trả các khoản nợ nước ngoài. Mặt khác, IMF cũng yêu cầu Kiev xóa bỏ triệt để tình trạng tham nhũng, quan liêu cũng như ngưng hoạt động can thiệp đồng nội tệ của Ngân hàng Trung ương.

Hôm qua, IMF đã cam kết hỗ trợ Ukraina tối đa 18 tỉ USD. Ngoài khoản tiền từ IMF, Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk cũng hy vọng sẽ nhận thêm nguồn tài chính 2,2 tỉ USD từ EU, 1 tỉ USD từ Mỹ và 1,5 tỉ USD từ Nhật Bản theo cam kết trước đây. Theo AP, dự kiến tổng viện trợ quốc tế cho Ukraina trong hai năm tới có thể lên đến 27 tỉ USD. Trước đó, ông Yatsenyuk nói rằng Ukraina cần 35 tỉ USD cho năm nay và năm tới.

MAI QUYÊN (Theo BBC, WSJ, AFP)

Bỏ iPad, quan chức Nga chuyển sang dùng Samsung

Các quan chức Chính phủ Nga đã chuyển sang dùng máy tính bảng của hãng Samsung (Hàn Quốc) thay vì dùng iPad của hãng Apple (Mỹ) nhằm đảm bảo an ninh. Điều này đã được Bộ trưởng Thông tin Nga Nikolai Nikiforov xác nhận ngày 26-3.

Bộ trưởng Thông tin Nga cho biết những máy tính bảng Samsung mới cung cấp cho các bộ trưởng là những thiết bị được bảo vệ đặc biệt và có thể sử dụng để làm việc với những thông tin mật. Một số thông tin tại các cuộc họp chính phủ có tính chất bí mật cao và những thiết bị này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đó, cũng như đã trải qua quá trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt nhất.

Thừa nhận sự thay đổi trên mới diễn ra không lâu, tuy nhiên ông Nikiforov cho rằng việc này không liên quan đến các biện pháp đáp trả của Nga đối với những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraina.

Ông Nikiforov lưu ý rằng các cơ quan đặc biệt của Mỹ sẽ tăng đáng kể lưu lượng thông tin họ thu thập. Điều này gây quan ngại nghiêm trọng cho các cơ quan chính phủ, khiến các khách hàng Nga, đặc biệt là quan chức nhà nước, sẽ rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tác của mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bộ trưởng Nikiforov tiết lộ các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung, cùng các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, có thể hấp dẫn Nga trong phương diện này.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết