28/06/2019 - 12:32

NATO ra sức đối phó tên lửa Nga 

Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ngày 26-6 nhất trí về gói biện pháp chính trị lẫn quân sự nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước hệ thống tên lửa gây tranh cãi của Nga.

 Ảnh: currenthunt.com

Giải pháp trên được thông qua tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra ở Brussels (Bỉ), trong đó thảo luận về việc Nga “không có dấu hiệu từ bỏ và thậm chí triển khai” tên lửa hành trình 9M729 (ảnh). NATO cáo buộc Mát-xcơ-va vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi phát triển vũ khí này, điều mà Điện Kremlin phủ nhận. INF do Mỹ và Liên Xô ký vào năm 1987, buộc hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới phải hủy tên lửa có tầm bắn 500- 5.500km cùng các bệ phóng và kết cấu hỗ trợ. Văn kiện này được xem là nền tảng cho nỗ lực kiểm soát vũ khí trên toàn cầu.

Tuy nhiên, sau nhiều năm phàn nàn Nga về 9M729, hồi tháng 2 vừa qua Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF vào ngày 2-8 tới nếu giới chức xứ bạch dương không hủy bỏ tên lửa có tầm bắn được cho là vượt mức 500km. “Thời gian đang cạn dần, nhưng Nga vẫn còn cơ hội để cứu lấy INF”- Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước báo giới. Nhiều đồng minh châu Âu của Mỹ cũng muốn tận dụng từng phút cuối để bảo vệ INF, song bộ trưởng các nước đã thống nhất chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp mọi nỗ lực đều thất bại. Theo đó, liên minh quân sự này sẽ đánh giá lại các hệ thống tên lửa và phòng không cùng các chương trình do thám và tình báo của mình nếu Nga không từ bỏ 9M729 trong vòng 5 tuần tới. Theo ông Stoltenberg, một số giải pháp sẽ mang tính lâu dài, số khác có thể được thực thi trong ngắn hạn hoặc cụ thể hơn. Vị cựu Thủ tướng Na Uy không đi vào chi tiết, nhưng giới ngoại giao tiết lộ rằng phản ứng sẽ bao gồm tăng cường các chuyến quần thảo của máy bay chiến đấu F16 và oanh tạc cơ B52 có thể mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ trên bầu trời châu Âu, đẩy mạnh các cuộc tập trận và tái bố trí tên lửa trên chiến hạm Mỹ. 

Đáp lại, cùng ngày Nga cảnh báo Mỹ và các đồng minh muốn sử dụng sức ảnh hưởng của họ trên toàn cầu để kiểm soát thế giới. Phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Mát-xcơ-va, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tố phương Tây phát động cuộc chiến thông tin để “chi phối Nga và cả thế giới”. Ông cho rằng nguyên nhân của chiến dịch này là NATO nhận thấy Nga trỗi dậy trong vai trò “cực thứ hai của trật tự thế giới”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh Mát-xcơ-va sẽ có biện pháp đáp trả quân sự nếu NATO cụ thể hóa những lời đe dọa.

Do 9M729 được bắn từ các bệ phóng di động trên mặt đất và có thời gian cảnh báo ngắn hơn các rốc-két tầm xa, nên NATO cho rằng rất khó để phát hiện tên lửa, trong khi nó có thể mang đầu đạn hạt nhân và đủ sức vươn tới các thhủ đô ở châu Âu chỉ trong vài phút. NATO nói rằng 9M729 có tầm bắn 2.000km, nhưng Nga khẳng định con số này chỉ là 480km.

“Nội bộ NATO không nên trừng phạt lẫn nhau”

 Trước khi lên đường sang Nhật Bản dự thượng đỉnh G20 hôm 26-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói như thế, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa nước này với Mỹ xung quanh việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Hục hặc về S-400, Washington đã đặt ra hạn chót là 31-7 tới để đồng minh NATO “buông” thương vụ này, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt và bị loại khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Dự kiến ông Erdogan sẽ có cuộc gặp bên lề với người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

THANH BÌNH (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NATOtên lửa Nga