04/04/2019 - 17:57

NATO chia rẽ ở tuổi 70 

Hôm 3-4, tức 1 ngày trước khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỷ niệm 70 năm thành lập, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này có thể xem xét lập quan hệ đối tác với các quốc gia Mỹ Latinh - động thái được cho nhằm bác ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng cấp tư cách thành viên chính thức trong khối hoặc địa vị pháp lý tương tự cho Brazil.

Tổng Thư ký Stoltenberg (giữa) tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Ảnh: AFP

NATO không có bất kỳ đối tác nào ở Mỹ Latinh, cho đến trường hợp của Colombia khi nước này đạt được thỏa thuận hồi năm 2017 để trở thành quốc gia duy nhất của khu vực gia nhập liên minh với tư cách “đối tác toàn cầu”. Trả lời phỏng vấn trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng tại Thủ đô Washington, Tổng Thư ký Stoltenberg khẳng định xác lập quan hệ đối tác thân thiết là tốt cho liên minh và chính quốc gia đó. Vì lẽ này, ông Stoltenberg cho biết NATO có thể cân nhắc quan hệ đối tác với nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác để xây dựng nền tảng, khuôn khổ hợp tác chặt chẽ trong thực tiễn lẫn chính trị. Ngoài Colombia, đối tác toàn cầu của NATO có thể kể đến là Afghanistan, Úc, Iraq, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, New Zealand và Pakistan.

Nếu tư cách đối tác không đòi hỏi các quốc gia tham gia hành động quân sự tập thể như đồng minh, thì việc gia nhập nhóm đồng minh chủ chốt ngoài NATO (MNNA) cho phép họ hưởng ưu đãi nhất định khi thâm nhập vào thị trường thiết bị quân sự và công nghệ Mỹ. Tháng rồi, Tổng thống Trump trong cuộc gặp với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro cho biết ông dự định xem Brazil là thành viên MNNA, thậm chí tiến xa hơn bằng cách hỗ trợ kết nạp nước này vào khối quân sự lớn nhất hành tinh. Hiện chưa có quốc gia Nam Mỹ nào là thành viên NATO và tới nay chỉ có Argentina gia nhập MNNA. Nhưng trước câu hỏi liệu Brazil có thể chính thức gia nhập liên minh, ông Stoltenberg hôm 3-4 đã nói “không”.

Trước đó, Pháp cũng lên tiếng “nhắc nhở” ông Trump khi viện dẫn Điều 10 của Hiệp ước thành lập NATO vốn chỉ cho phép kết nạp các thành viên từ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Mỹ. Tuy loại trừ khả năng chính thức kết nạp Brazil, Tổng Thư ký Stoltenberg trong buổi phỏng vấn nói rõ các đối tác không phải thành viên nhưng đều là những đối tác thân cận. “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ về thực tiễn lẫn chính trị và đây là phương thức tốt để tăng cường hợp tác giữa NATO với các nước không phải thành viên của liên minh” – ông Stoltenberg nói thêm.

Trong bài phát biểu trước đó tại Quốc hội Mỹ, ông Stoltenberg cũng lên tiếng bảo vệ mối quan hệ mà ông coi là “liên minh thành công nhất trong lịch sử”. Theo kết quả khảo sát của Đại học Maryland trên 2.400 người Mỹ, có 83% người được hỏi ủng hộ NATO và nói rằng Washington nên duy trì tư cách thành viên. Đáng lưu ý là hầu hết đều không ủng hộ hành vi đe dọa đồng minh trong khối. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump thường lên tiếng chỉ trích các thành viên NATO, đặc biệt về vấn đề chi tiêu quốc phòng và thậm chí dọa rút Mỹ khỏi NATO. Ngay trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập khối, chính quyền Trump tiếp tục dấy lên căng thẳng bằng chuyện thúc ép Đức tăng chi tiêu quân sự và “đụng độ” đồng minh khác là Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh hợp đồng mua khí tài của Nga.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Washington Post)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NATO