Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí PLOS Climate, những đợt nắng nóng chết người, do biến đổi khí hậu, đang đe dọa sự phát triển của Ấn Độ và có nguy cơ làm đảo ngược tiến trình xóa đói giảm nghèo, y tế và tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Á này.
Các đợt nắng nóng đang diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn tại Ấn Độ.
Để đưa ra cảnh báo trên, các chuyên gia đến từ Đại học Cambridge (Anh) đã phân tích các phương pháp hiện được sử dụng để đánh giá mức độ dễ tổn thương của Ấn Độ trước nắng nóng và biến đổi khí hậu, cùng với các thước đo về tiến độ của đất nước này đối với các mục tiêu như xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy công bằng, y tế, giáo dục và kiềm chế biến đổi khí hậu.
Họ nhận thấy các đợt nắng nóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ấn Độ, dẫn đến tình trạng mất điện, ô nhiễm không khí và bụi gia tăng, đồng thời đẩy nhanh quá trình tan băng ở phía Bắc nước này. Kể từ năm 1992, hơn 24.000 người đã thiệt mạng vì các đợt nắng nóng. Đáng quan ngại là tác động của các đợt nắng nóng dự kiến sẽ còn nghiêm trọng hơn khi tần suất nắng nóng ngày càng thường xuyên, dữ dội hơn và gây chết người do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cũng cho thấy hơn 90% diện tích của Ấn Độ có thể rơi vào vùng “nguy hiểm” do nhiệt độ cực cao. Năm ngoái, đất nước có 1,4 tỉ dân này đã trải qua một đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tại nhiều vùng lên tới hơn 49°C, riêng tháng 4 được xác định là nóng nhất trong 122 năm. Từ tháng 1 đến tháng 10-2022, nước này đã trải qua tới 242/273 ngày có thời tiết khắc nghiệt. Tình trạng căng thẳng vì nắng nóng tái diễn như vậy sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng và sinh kế của hàng triệu người dân Ấn Độ. “Nhiệt độ gia tăng dự kiến sẽ khiến Ấn Độ thiệt hại 2,8% và 8,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và làm giảm mức sống tương ứng vào năm 2050 và 2100”- các tác giả dự báo.
Nghiên cứu còn dự báo vào giữa thế kỷ này, 70 thành phố của Ấn Độ sẽ có hơn 1 triệu dân. Và nhiệt độ cực cao sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng và sức khỏe của số dân đó, đồng thời đảo ngược tiến trình giảm bất bình đẳng và giảm nghèo, bởi những người nghèo và yếu thế nhất thường là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
NGUYỆT CÁT (Theo CNN, AP)